Đàm phán cứu vãn JCPOA: Vạn sự khởi đầu nan
Quốc tế 13/04/2021 10:31
Trong mấy ngày đàm phán vừa qua, các nước tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã thiết lập hai nhóm làm việc để tìm cách cứu vãn JCPOA. Nhóm đầu tiên xem xét cách Mỹ có thể quay trở lại tuân thủ thỏa thuận, cụ thể là bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng đối với Iran sau khi Mỹ rút lui. Nhóm thứ hai nghiên cứu cách Iran có thể trở lại tuân thủ thỏa thuận, với việc yêu cầu nước này một lần nữa hạn chế chương trình hạt nhân. Việc các bên kết thúc đàm phán ngày 9/4 mà không đạt được kết quả đáng kể nào cũng đã được dự báo trước.
Đánh giá về những diễn biến cũng như kết quả của vòng đàm phán lần này, phía Mỹ tỏ ra “chừng mực” khi một mặt kêu gọi Iran nên có cách tiếp cận thực dụng hơn, đồng thời đề xuất ý tưởng "rất nghiêm túc" nhằm cứu vãn JCPOA và đang chờ phía Tehran hồi âm. Về phần mình, Iran tái khẳng định lập trường, tuyên bố nước này loại trừ khả năng tham gia bất kì cuộc đàm phán “trực tiếp hoặc gián tiếp” nào với Mỹ nếu Washington từ chối dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Kĩ sư làm việc tại nhà máy làm giàu urani Natanz ngày 10/4/2021 |
Thực tế thì việc tổ chức được cuộc đàm phán này đã được coi là một bước tiến lớn và đúng hướng sau nhiều năm căng thẳng giữa Mỹ và Iran, nhiều lúc tưởng chừng chiến tranh đã cận kề. Việc các bên liên quan nhất trí tiếp tục gặp nhau trong tuần tới để thu hẹp bất đồng cũng thể hiện thiện chí duy trì đàm phán. Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủng hộ việc đàm phán gián tiếp với Iran nhằm cứu vãn JCPOA. Tuy nhiên, Washington sẽ khó lòng dễ dàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang áp dụng đối với Tehran mà không đòi hỏi những điều kiện mang tính ràng buộc từ Iran. Giới chức Mỹ luôn bày tỏ quan điểm sẽ theo đuổi tiến trình đàm phán với Iran nhằm hướng tới một thỏa thuận “chặt chẽ và lâu dài hơn” để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như ngăn cản Tehran "hậu thuẫn" các lực lượng ở Iraq, Yemen, Liban và Syria.
Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi, Tehran sẽ không ngừng từng phần chương trình hạt nhân hiện tại, đặc biệt là việc làm giàu urani lên mức 20% tinh khiết, cho đến khi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Nói cách khác, Tehran không muốn thay đổi lập trường theo nguyên tắc từng bước. Một báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho thấy, Tehran đã lắp đặt một loạt máy li tâm hiện đại ở nhà máy Natanz dưới lòng đất nhằm tăng cường năng lực làm giàu urani. Mới đây nhất, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) cho biết, trong chưa đầy 4 tháng, Iran đã sản xuất được 55 kg urani làm giàu ở cấp độ 20% và trong vòng 8 tháng, nước này có thể sản xuất được 120 kg urani làm giàu ở cùng cấp độ trên. Tuy nhiên, Đặc phái viên Mỹ về Iran Robert Malley cho rằng quan điểm của Tehran về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi điều chỉnh các hoạt động hạt nhân cho thấy Iran "thiếu nghiêm túc".
Theo giới phân tích khu vực, các cuộc đàm phán ở Vienna chưa thể dẫn đến việc nhanh chóng gia hạn JCPOA và cũng khó có khả năng dẫn đến thỏa thuận "JCPOA +" rộng hơn như Mỹ mong muốn. Những gì vừa diễn ra cũng có thể chưa đủ để tạo ra những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế Iran, vốn đang điêu đứng do hứng chịu các lệnh trừng phạt từ Washington, trước cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Dù sao, cuộc đàm phán ở Vienna cũng là bước khởi đầu góp phần mở ra lộ trình khả quan để hai bên hướng tới. Tuy nhiên, lộ trình này được dự báo sẽ còn gặp phải nhiều “lực cản”, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn cũng như các đối sách linh hoạt của giới lãnh đạo hai bên, cùng nỗ lực thúc đẩy của các bên liên quan như Liên minh châu Âu (EU), Nga, Trung Quốc…