Đắk Lắk: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường mới
Xã hội 08/03/2022 18:45
Chị Nguyễn Hoàng Loan Thanh ở phường Thành Công, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk làm đại diện cho một nhãn hàng tại khu vực Tây Nguyên nên khá bận rộn, hơn nữa do dịch bệnh hạn chế tiếp xúc nên chị tranh thủ lúc rãnh tay ở cửa hàng là lên mạng đi chợ online. Chị chia sẻ, sau những đợt giãn cách xã hội, chị đã quen với việc đi chợ online. Các siêu thị trên địa bàn đều có trang bán hàng online, giao hàng miễn phí, thậm chí các tiểu thương bán hàng tại chợ truyền thống cũng đã sử dụng điện thoại thông minh cập nhật số điện thoại, zalo, mesenger .v.v. cần mua gì chỉ cần nhắn là hàng giao đến tận nhà.
Thương mại điện tử lên ngôi trong đại dịch (ảnh Internet) |
Dịch bệnh kéo dài, diễn biến phúc tạp với các đợt giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc khiến cho việc đi chợ online đã phát triển nhanh chóng, dần hình thành thói quen tiêu dùng mới của nhiều người. Đồng thời, phân phối hàng hóa của doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh cũng nhanh chóng có mặt trên các nền tảng số để đến với khách hàng. Người tiêu dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh trên tay, cả thế giới hàng hoá dịch vụ từ xa xỉ, cao cấp, đến hàng tiêu dùng hàng ngày; từ các trang mua sắm nước ngoài đến trong nước, hay siêu thị, cửa hàng tại địa phương v.v… chỉ cần vài phút để chọn lựa, đặt hàng là có thể hoàn thành các giao dịch mua bán.
Hạn chế mua bán trực tiếp trong đại dịch, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm online |
Tuy nhiên, thực tế cũng không ít trường hợp dở khóc, dở cười khi mua hàng qua mạng. Chị Phạm Thị Giang, xã Tam Giang, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Cách đây không lâu, khi nhìn thấy một chiếc váy khá ưng ý rao bán online, chị liền oder và chỉ vài ngày sau đã nhận hàng, thế nhưng hoàn toàn không như ý. Trước đó, cũng không ít lần chị mua phải son môi, mỹ phẩm kém chất lượng qua các của hàng online. Hay trường hợp chị Nguyễn Khánh Ly ở xã CưEbur, thành phố Buôn Ma Thuột lại vướng vào thực trạng không đặt hàng, nhưng không biết thế nào mà hàng vẫn về đúng địa chỉ nhà chị, người nhà cứ thế nhận, kiểm tra thì shop không biết ở đâu, số điện thoại không tồn tại, shiper thì giao hàng xong đã rời đi từ lúc nào, tiền cũng đã thanh toán xong. Vậy là phải sử dụng sản phẩm không có nhu cầu khiến chị không hài lòng.
Siêu thị ưu tiên mua bán online trong đại dịch |
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, người tiêu dùng quá dễ dàng và nhanh chóng khi mua sắm qua mạng. Điều này cũng làm xuất hiện và gia tăng tình trạng người tiêu dùng chi tiêu quá nhiều, thậm chí quá mức thu nhập của bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, các nguy cơ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng khi nhiều hoạt động kinh doanh lừa đảo cũng tận dụng bán hàng online để trục lợi. Không ít trường hợp người tiêu dùng mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, giao hàng chậm, đã thanh toán nhưng không giao hàng, lộ thông tin cá nhân .v.v. Đây chính là những thách thức đặt ra cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện mới hiện nay.
Chủ đề của ngày Quyền của người tiêu dùng 15/3 năm nay là “Tiêu dùng an toàn trong điều kiện bình thường mới”. Nghĩa là, mọi người có thể làm việc, sinh hoạt bình thường, nhưng phải chú ý phòng, chống dịch, tuân thủ nguyên tắc 5k, hạn chế tụ tập mua sắm đông người, khuyến khích mua sắm online.
Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk kiểm tra về thị trường và chất lượng hàng hóa tại chợ. |
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước các hành vi gian lận thương mại đã và đang len lỏi trên cả thị trường truyền thống lẫn thương mại điện tử. Ông Trần Trọng Lưu, Trưởng phòng quản lý thương mại, Sở Công Thương Đắk Lắk - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đăk Lăk chia sẻ: Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý thị trường của các cơ quan chức năng, thì mỗi doanh nghiệp cần chủ động tận dụng tốt hơn các nền tảng số để tiếp cận khách hàng, phát triển thị trường, cũng như giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu, chất lượng, giá cả hàng hoá một cách rõ ràng, cụ thể để thúc đẩy tiệu thụ hàng hóa trong cuộc cách mạng 4.0. Đồng thời, mỗi người tiêu dùng cần chủ động cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức để trở thành người tiêu dùng thông thái, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hàng hóa vẫn đầy đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong mùa dịch. |
Về công tác quản lý nhà nước, Việt Nam đã lấy ngày 15/3 hàng năm làm ngày Quyền của người tiêu dùng, đồng thời ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tại quyết định số 1157 ngày 12/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025. Theo đó, ngày 16/2/2022 UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có kế hoạch số 34 triển khai quyết định này, cho thấy quyền của người tiêu dùng đang ngày càng được quan tâm bảo vệ nhiều hơn.