Đại dịch Covid-19 phơi bày vấn đề bất bình đẳng thu nhập của nước Mỹ
Quốc tế 29/05/2020 09:07
Bất bình đẳng thu nhập vẫn luôn là một vấn đề nóng hổi được người Mỹ quan tâm. Năm 2015, thu nhập trung bình của 1% dân số giàu nhất nước này tăng gấp đôi so với thu nhập của 99% dân số còn lại (số liệu từ Cơ quan Thuế Nội địa IRS).
Covid-19 tiếp tục gây thiệt hại cho nền kinh tế, gia tăng khoảng cách thu nhập giữa giới “siêu giàu” và hàng triệu người Mỹ khác. Đối với nhiều lao động, thất nghiệp cũng đáng sợ như nhiễm bệnh.
Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền Tổng thống Trump và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hồi cuối tháng 3 đã tung ra gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 2.000 tỉ USD. Nỗ lực này có thể hỗ trợ mỗi người dân Mỹ tối đa 1.200 USD, giúp đỡ các chủ doanh nghiệp và tăng mức trợ cấp thất nghiệp để giúp nước này vượt qua cơn khủng hoảng.
Nhân viên kiểm tra thân nhiệt trước khi vào trung tâm hội nghị ở bang Louisiana. Ảnh Reuters |
Song với hàng triệu lao động vừa bị Covid-19 cuớp đi việc làm, gói cứu trợ “khủng” chỉ là giải pháp tạm thời. Câu hỏi đang được nhiều người quan tâm là Mỹ phải làm gì sau khi dịch bệnh qua đi? Liệu nước này sẽ tiếp tục duy trì chủ nghĩa bảo hộ đi kèm khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” (American First) hay sẽ mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế như sau cuộc Đại suy thoái trong những năm 1930?
Bước đi tiên phong
Chuyên gia Elise Gould của Viện Chính sách Kinh tế nhận định: “Một sự thay đổi lớn trong văn hoá có thể xảy ra. Gói cứu trợ của chính phủ gồm nhiều biện pháp bảo vệ nhóm người lao động yếu thế chưa từng có tiền lệ”. Bước đi tiên phong của chính quyền Tổng thống Trump sẽ mở đường cho nhiều chính sách tương tự trong tương lai. Đây cũng chính là giải pháp lâu dài cho vấn đề bất bình đẳng thu nhập.
“Ngược dòng” nhiều quốc gia phát triển khác, Mỹ chưa đề ra chính sách bảo vệ người lao động hiệu quả. Trên thực tế, chủ doanh nghiệp nước này không cần trả lương cho nhân viên trong thời gian nghỉ phép, nghỉ ốm.
Hệ thống trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ cũng không hào phóng như ở châu Âu. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, mức lương tối thiểu của người lao động Mỹ thấp hơn nhiều so với số liệu tại các nước phát triển khác như Đức, Anh hay Pháp.
Nỗi lo với người da màu
Dịch bệnh còn chỉ ra mặt tối của nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Theo AP, trong hàng nghìn ca tử vong do Covid-19, cộng đồng người gốc Phi chiếm tới 42%. Lí giải về vấn đề này, Tiến sĩ Athony Fauci của Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ cho biết, nhiều người Mỹ gốc Phi có bệnh lí nền như hen suyễn, cao huyết áp, tiểu đường. Ngoài ra, họ còn thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Tác động về mặt kinh tế của Covid-19 cũng khiến cuộc sống của người da màu thêm chật vật. Trong tháng 3, Mỹ ước tính có 713.000 lao động trong khu vực tư nhân mất việc. 64% trong số đó làm việc cho các khách sạn, nhà hàng với mức lương khiêm tốn, khoảng 16,83 USD/giờ.
Củng cố các hệ thống dịch vụ xã hội
Lịch sử nước Mỹ từng nhiều lần chứng kiến các chính sách dài hạn được đưa ra sau khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, những nước đi này có góp phần cải thiện cuộc sống của người dân hay không?
Với khẩu hiệu “Chính sách Kinh tế Mới” (New Deal), Tổng thống Franklin D. Roosevelt từng thực hiện cải cách giúp vực dậy nền kinh tế sau thời kì Đại suy thoái. Ông tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ như trợ cấp an sinh xã hội hay thành lập nghiệp đoàn cho người lao động.
Tới thời kì khủng hoảng kinh tế năm 2008, Tổng thống Barack Obama áp dụng nhiều gói kích thích kinh tế và thông qua đạo luật cung cấp bảo hiểm y tế cho hàng triệu người Mỹ. Tuy nhiên, những nỗ lực này vấp phải nhiều chỉ trích do tiêu tốn nhiều tiền trong ngân sách quốc gia.
Bà Alexandra Gaines của Trung tâm Tự do Tiến bộ cho biết, nước Mỹ cần củng cố các hệ thống dịch vụ xã hội, bao gồm hệ thống y tế, để không bỏ mặc người yếu thế trong những cuộc khủng hoảng cộng đồng về sau. “Những cuộc khủng hoảng như thế này sẽ còn xảy ra trong tương lai”, bà Gould khẳng định.