Chính phủ Đức bắt đầu chống khủng hoảng
Quốc tế 19/09/2023 13:20
Sự cải thiện sẽ được tạo ra nhờ việc giảm thuế cho các doanh nghiệp và về lâu dài hơn một chút - bằng cách giảm bớt thủ tục quan liêu và đẩy nhanh quá trình số hóa. Tuy nhiên, gói biện pháp của chính phủ Đức công bố được cho là quá nhỏ và quá muộn để kích thích tăng trưởng và tránh suy thoái kinh tế trong năm nay. Tiến sĩ Plóciennik lưu ý, đây đúng hơn là một giai đoạn chuyển tiếp trong quá trình chuẩn bị một chiến lược cải cách kinh tế rộng hơn, chiến lược này có thể được công bố trong vài tuần tới.
Trước đó vào ngày 29 - 30/8, Chính phủ Đức đã tổ chức một cuộc họp tại Lâu đài Meseberg ở Brandenburg, nhằm mục đích vừa xoa dịu tình hình căng thẳng trong liên minh cầm quyền, vốn gần đây bị lung lay bởi những tranh cãi về giá điện cho ngành công nghiệp, thuế và chính sách xã hội, vừa công bố kế hoạch chống khủng hoảng kinh tế vốn đang khiến dư luận ngày càng lo lắng.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. |
Có thể thấy, kể từ mùa Thu năm 2022, nền kinh tế Đức rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ với GDP hằng quý giảm 0,4% và lạm phát vượt quá 6%. Ước tính sơ bộ quý III/2023 không thấy bất kì thay đổi nào tốt hơn, đó là lí do tại sao ngày càng nhiều viện nghiên cứu và tổ chức kinh tế dự đoán về một cuộc suy thoái nhẹ vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn tình trạng trì trệ kéo dài là những vấn đề cơ cấu. Đức không thể đối phó với chi phí năng lượng cao, số hóa, các thủ tục quan liêu quá mức và thiếu hụt lao động. Trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng và cuộc chạy đua công nghệ, nền kinh tế lớn nhất EU có nguy cơ tăng trưởng chậm lại kéo dài và sự di dời của các công ty công nghiệp hàng đầu sang các địa điểm khác. Chính phủ Đức, vào cuối mùa xuân từng nêu ra cái gọi là “phép lạ kinh tế mới” của Thủ tướng Olaf Scholz, đã phải nhanh chóng thay đổi thông điệp của mình để “chống khủng hoảng”.
Gói biện pháp chống khủng hoảng thứ hai - mặc dù mang tính chất cơ cấu hơn là mang tính chu kì - liên quan đến bộ máy quan liêu. Tại cuộc họp ở Meseberg, 28 thay đổi được thông qua, phát triển nhờ tham vấn giữa các bộ kinh tế và tư pháp với các tổ chức kinh doanh. Họ dự kiến sẽ mang lại khoản tiết kiệm lên tới 2,8 tỉ euro hằng năm. Các quy định liên quan cụ thể sẽ được trình bày vào tháng 12 tới.
Ý định hạn chế thủ tục "giấy tờ" cũng thể hiện rõ trong các đề xuất giới thiệu hộ chiếu kĩ thuật số và thủ tục đấu thầu công khai dựa trên tài liệu điện tử. Từ quan điểm của các doanh nghiệp, điều này mang lại lợi ích đáng kể trong lĩnh vực năng lượng, xuất khẩu hoặc thương mại bán lẻ. Các bộ tư pháp và kinh tế cũng tuyên bố thực hiện sáng kiến lập pháp ở cấp EU, mục đích của sáng kiến là phi quan liêu hóa nền kinh tế EU.
Hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng, kế hoạch của Chính phủ Đức đang đi đúng hướng, nhưng không nên mong đợi một bước đột phá trong cuộc chiến chống khủng hoảng. Lí do là vì quy mô tài chính của nó quá khiêm tốn và kéo dài về thời gian để có thể ảnh hưởng đáng kể đến quỹ đạo tăng trưởng GDP hiện tại. Hơn nữa, các tổ chức kinh doanh lo ngại liệu Chính phủ Đức có đủ quyết tâm để hoàn thành tất cả các dự án hay không. Nhiều chương trình có thể thay đổi trong quá trình lập pháp.
Những lo ngại này là có cơ sở vì “thỏa thuận ở Meserber” giữa các đối tác liên minh có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. FDP và Đảng Xanh bị chia rẽ bởi tranh chấp cơ bản về cách kích thích tăng trưởng kinh tế chứ không phải do sự khác biệt về chính sách dài hạn. FDP ủng hộ việc cắt giảm thuế và đảng Xanh của Phó Thủ tướng Robert Habeck ủng hộ các khoản trợ cấp có mục tiêu…