Cuộc đua tranh giữa những mặt đối lập
Quốc tế 13/05/2023 10:00
Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Thái Lan vẫn mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình” với tăng trưởng kinh tế không đạt 5% kể từ năm 2012, dân số già, tiết kiệm và đầu tư thấp, nợ hộ gia đình cao và tụt hậu so với các nước láng giềng đông dân hơn và đang phát triển nhanh. Do đó, cuộc bầu cử sẽ không chỉ bầu ra các nghị sĩ mà còn tìm kiếm một nhà lãnh đạo chính phủ có khả năng dẫn dắt đất nước vượt qua những khó khăn để phát triển lên tầm cao mới.
Mặc dù có tới gần 70 đảng tham gia tranh cử song dự kiến đây sẽ là cuộc đua chủ yếu giữa hai đảng: Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN) của Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha và Vì nước Thái (Pheu Thai), một nhánh của đảng Người Thái yêu người Thái (Thai Rak Thai) của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, hiện đã không còn tồn tại.
UTN tuy mới thành lập nhưng thành viên không phải là những gương mặt mới, trong đó có Thủ tướng Prayut, các cựu phó thủ tướng cùng các thành viên chính phủ kì cựu. Trong khi đó, đảng Pheu Thai đang hứa hẹn một sự trỗi dậy sau thời kì mà họ gọi là “một thập kỉ bị mất” dưới chế độ liên kết với quân đội của Thủ tướng đương nhiệm Prayut. Với việc bà Paetongtarn Shinawatra, con gái ông Thaksin, lãnh đạo chiến dịch bầu cử của Pheu Thai, các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy đảng này đang dẫn đầu và có nhiều khả năng giành được nhiều ghế nhất.
Tuy nhiên, đảng Tiến bước với tư tưởng cấp tiến cũng là một ẩn số thú vị, cho thấy cuộc bầu cử sẽ là một cuộc đua tam mã. Theo quy định bầu cử Thái Lan, một đảng hoặc một nhóm đảng cần phải giành được ít nhất 251 trong số 500 ghế hạ viện để thành lập chính phủ.
Gương mặt quen thuộc nhất trong số các ứng cử viên là Thủ tướng đương nhiệm Prayut. Là người chèo lái chính phủ vượt qua đại dịch Covid-19 kéo dài trong phần lớn nhiệm kì qua, vị tướng quân đội 69 tuổi hi vọng sẽ trở lại vị trí thủ tướng với cương lĩnh tranh cử tập trung vào phát triển hạ tầng, bảo đảm tính liên tục trong các chính sách phát triển mà đất nước đang thực hiện, bảo đảm sự ổn định và bảo vệ Hoàng gia.
Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan, 78 tuổi cũng nhắm đến ghế thủ tướng với tư cách là ứng cử viên của đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (PPRP) đứng đầu trong liên minh cầm quyền 4 năm qua. Ông được coi là “anh cả” của các nhà lãnh đạo quân đội từng tiến hành cuộc đảo chính năm 2014. Lợi thế của 2 ứng cử viên đều xuất thân quân đội này là có kinh nghiệm lãnh đạo trong nhiệm kì qua và được sự hậu thuẫn của Thượng viện 250 ghế do quân đội bổ nhiệm. Mặc dù vậy, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cả 2 lãnh đạo kì cựu này đều tụt lại phía sau 2 ứng cử viên trẻ tuổi của đảng Pheu Thai và đảng Tiến bước.
Ở tuổi 37, bà Paetongtarn Shinawatra nổi lên như ứng cử viên sáng giá nhất. Cương lĩnh tranh cử của bà là tăng lương tối thiểu và phục hồi kinh tế. Tuy vậy, bà cũng phải chạy đua với thủ lĩnh 43 tuổi của Tiến bước là ông Pita Limjaroenrat. Càng sát ngày bầu cử, ông Pita đang được ví như một “cơn sốt” với những lời vận động lôi cuốn, tập trung vào cải thiện cuộc sống người dân, phi tập trung hóa, cải cách hành chính quan liêu và chấm dứt sự can thiệp của quân đội vào chính trị.
Nhìn kết quả các cuộc thăm dò dư luận, có thể thấy cuộc bầu cử năm nay tại Thái Lan là cuộc đua tranh của các mặt đối lập. Giữa các đảng đứng đầu là sự đối lập giữa phe thân quân đội với phe phản đối đảo chính. Giữa các ứng cử viên thủ tướng hàng đầu là sự đối lập về tuổi tác và kinh nghiệm chính trường.
Giới quan sát nhận định rằng, việc nắm bắt sự ủng hộ của lớp cử tri trẻ tuổi và những cử tri còn lưỡng lự, vốn chiếm tỉ lệ khá cao trong các cuộc thăm dò sẽ góp phần quyết định cơ hội chiến thắng của mỗi đảng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo bất cứ ai về đích, việc không mang lại lợi ích kinh tế rộng lớn có thể dẫn đến sự bất ổn của Thái Lan.