Cuộc đối đầu chưa có hồi kết
Quốc tế 26/12/2023 15:06
Có thể nói, các cuộc giao tranh, tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) trên thực địa giữa lực lượng Nga và Ukraine, cùng hành động thực tế của các bên liên quan trong năm 2023 đã làm lu mờ triển vọng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.
Với việc Mỹ và các quốc gia thành viên NATO chuyển hàng loạt thiết bị quân sự trị giá hàng chục tỉ USD vào Ukraine, năm 2023, NATO không ngừng tăng cường chi tiêu quốc phòng với mức hơn 1,3 nghìn tỉ USD so với 1,2 nghìn tỉ USD năm ngoái. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/12 cũng kí ban hành đạo luật cho phép chi tiêu quốc phòng của Mỹ năm 2024 tăng lên mức kỉ lục 886 tỉ USD (năm 2023 là 858 tỉ USD). Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin tháng trước đã phê duyệt ngân sách liên bang năm 2024 và giai đoạn 2025 - 2026, trong đó tăng đáng kể chi tiêu quân sự, năm 2024 dự kiến sẽ tăng gần 70% so với năm 2023.
Quân nhân Ukraine tuần tra quanh căn cứ quân sự ở vùng Donetsk ngày 4/2/2023. |
Bên cạnh cung cấp vũ khí cho Ukraine, Mỹ và phương Tây tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga, từ hạn chế khả năng Nga giao dịch với các ngân hàng trên thế giới cho tới áp lệnh cấm nhập khẩu công nghệ, tẩy chay các sản phẩm năng lượng và áp giá trần dầu mỏ nhằm ngăn chặn nguồn doanh thu hàng đầu của Moskva. Mới nhất, EU ngày 18/12 đã thông qua gói trừng phạt thứ 12 chống Nga, tập trung vào việc áp đặt các lệnh cấm nhập khẩu kim cương có nguồn gốc từ Nga, cũng như áp đặt thêm các lệnh cấm nhập khẩu và xuất khẩu đối với hàng hóa Nga,
Đối đầu Nga - phương Tây càng trở nên khó kiểm soát khi hai bên dần rút khỏi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí chung và câu hỏi khi nào tìm được giải pháp hòa bình cho xung đột Nga - Ukraine vẫn bỏ ngỏ. Đến nay, Ukraine vẫn chủ yếu dựa vào kho đạn dược do các nước phương Tây tích lũy trước ngày 24/2/2022. Tuy nhiên, nguồn cung này không phải là vô hạn và đang cạn kiệt. Phương Tây từng nhiệt tình ủng hộ Ukraine cả về vật chất và tinh thần, cũng đã bắt đầu tỏ ra mệt mỏi trước các đòi hỏi của Kiev về vũ khí và tài chính.
Tình trạng rối ren và chia rẽ trong nội bộ chính trường Mỹ đang làm gián đoạn sự hỗ trợ của Washington cho Kiev. Với cuộc xung đột đang leo thang giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza, tình hình càng trở nên khó khăn hơn với Ukraine. Trong khi đó, kế hoạch mới của EU viện trợ 21,4 tỉ USD cho Ukraine vẫn chưa thể triển khai do rạn nứt trong quan điểm của các thành viên EU. Lãnh đạo các nước Bulgaria, Hungary và gần đây là Slovakia cho rằng, việc cung cấp thêm vũ khí cho Kiev sẽ không giúp giải quyết xung đột Nga - Ukraine, thay vào đó nên thúc đẩy giải pháp ngoại giao.
Mặc dù vậy, khả năng Nga và Ukraine nối lại đàm phán khá xa vời. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần khẳng định, Kiev sẽ không ngồi xuống đàm phán và đưa ra nhượng bộ với Nga. Những tháng cuối năm, nhà lãnh đạo Ukraine có hàng loạt chuyến công du nước ngoài để hối thúc Mỹ và phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev. Trong khi đó, phía Nga tuyên bố bất kì cuộc đàm phán nào cũng sẽ phải tính đến “lợi ích hợp pháp của Moskva”, bao hàm cả vấn đề Ukraine gia nhập NATO…
Không ít nhà phân tích cho rằng, cuộc đối đầu Nga - phương Tây và xung đột Nga - Ukraine sẽ có những chuyển biến trong năm 2024, khi cả Nga và Mỹ đều tổ chức bầu cử tổng thống, EU cũng tiến hành bầu cử nghị viện châu Âu. Trong khi đó, ông Rodion Miroshnik, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga, cho rằng với cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine, các cuộc đàm phán thực chất sẽ là giữa Nga và các nước phương Tây đang hỗ trợ Kiev. Vấn đề là các bên phải có thiện chí sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán và phải coi việc chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine bằng giải pháp hòa bình là ưu tiên hàng đầu…