Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa: Thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Thị trường 27/03/2022 15:57
| ||
Ông Nguyễn Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa |
Căn cứ vào tình hình thực tế và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ban ngành Trung ương và địa phương cùng sự phối hợp chặt chẽ với các lượng lượng chức năng…Cục Quản lý thị trường (QLTT) Thanh Hóa đã thực hiện tốt việc theo dõi sát diễn biến giá cả, hàng hóa trên thị trường, tăng cường công tác trinh sát, nắm bắt nguồn tin, xây dựng phương án kiểm tra đột xuất. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý kịp thời, nghiêm túc các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, các hành vi gian lận trong đo lường, đóng gói, tăng giá bất hợp lý để thu lợi bất chính, gây mất ổn định thị trường. Trong đó tập trung vào các mặt hàng trọng điểm như: Kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, động vật và sản phẩn chế biến từ động vật, hàng điện tử, điện lạnh; các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 như: khẩu trang, nước sát khuẩn, nhiệt kế… Tập trung kiểm tra các chuyên đề chống buôn lậu thuốc lá; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; thực phẩm tươi sống và chế biến (lợn và các sản phẩm chế biến từ lợn; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc…); nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền; hoạt động thương mại điện tử… Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm (nhóm hàng nông lâm thủy sản); tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm đường phố; việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, các biểu hiện của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; việc thực hiện đo lường hàng hóa (cân, đong, đóng gói hàng hóa), công bố chất lượng hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở sản xuất kinh doanh bán buôn, bán lẻ để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá; về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, sản xuất, buôn bán hàng giả; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến…
Phân công cán bộ trực đường dây nóng 24/24 giờ tại Văn phòng Cục và 15 Đội QLTT trực thuộc để nắm thông tin phản ánh từ nhân dân về các đối tượng vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tổ chức trực tại Văn phòng Cục và các Đội QLTT trực thuộc, các tổ công tác thường xuyên xuất hiện tại các địa bàn, các khu mua sắm Tết trên toàn địa bàn từ ngày 29/1/2022 đến 17 giờ ngày 31/1/2022 để tuyên truyền và tiếp nhận thông tin, phản ánh của người tiêu dùng, của nhân dân về các hành vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh Covid-19, vi phạm các quy định về quản lý giá và hành vi gian lận thương mại để xử lý kịp thời, nghiêm túc, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mua sắm Tết. Đồng thời tổ chức trực và theo dõi tình hình trong và sau Tết từ ngày 01/2/2022 đến ngày 06/2/2022 để báo cáo thường xuyên trước 10 giờ hàng ngày về Tổng cục QLTT, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường về việc kiểm tra, giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu theo Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa ban hành và triển khai thực hiện Công văn số 210/CQLTT-NVTH ngày 28/01/2022 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu để kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu thường xuyên liên tục những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2022. Yêu cầu các Đội QLTT trực thuộc cử kiểm soát viên thực hiện việc giám sát các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn được phân công phụ trách; các doanh nghiệp đầu mối, ủy quyền của thương nhân đầu mối ký cam kết không để xảy ra tình trạng găm hàng chờ tăng giá, các cửa hàng trong hệ thống ngừng kinh doanh, bán hàng nhỏ giọt. Triển khai ký cam kết về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với 570 các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; 09 doanh nghiệp là thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh.
| ||
Tăng cường công tác kiểm tra |
Phối hợp với các ngành thành viên BCĐ 389 tỉnh tổ chức triển khai Kế hoạch số 247/KH-BCĐ ngày 15/11/2021 của BCĐ 389 tỉnh Thanh Hóa về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 Đồng thời chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tham mưu Trưởng ban BCĐ 389 huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường và thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022: 27/27 BCĐ 389 các huyện, thị xã, thành phố thành lập đoàn, tiến hành kiểm tra theo đúng nội dung Kế hoạch. Kết quả: Kiểm tra 140 vụ; xử lý 112 vụ; phạt vi phạm hành chính 213.000.000 đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy 63.000.000 đồng.
Theo dõi, đôn đốc các ngành thành viên BCĐ 389 tỉnh, BCĐ 389 các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa, góp phần giữ ổn định thị trường; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại, góp phần làm chuyển biến nhận thức của toàn xã hội về công tác chống buôn lậu, hàng cấm, sản xuất kinh doanh hàng giả, vệ sinh an toàn thực phẩm đặc biệt là vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, đốt pháo trái phép trong dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Thực hiện chế độ báo cáo nhanh hàng ngày, báo cáo định kỳ đột xuất đảm bảo đúng nội dung thời gian theo quy định. Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa cử 03 đồng chí tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương chủ trì kiểm tra trước, trong, sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022. Kết quả: Đoàn 1 (do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì): Kiểm tra 21 cơ sở, xử lý 2 cơ sở, phạt vi phạm hành chính 6.000.000 đồng; tiêu hủy 6 thùng sữa men, 20 túi me sấy khô; trị giá hàng hóa tiêu hủy 3.900.000 đồng. Đoàn 2 (do Sở Công thương chủ trì): Kiểm tra 28 cơ sở, xử lý 01 cơ sở, phạt vi phạm hành chính 4.000.000 đồng. Đoàn 3 (do Sở Y tế chủ trì): Kiểm tra 16 cơ sở, xử lý 01 cơ sở, phạt vi phạm hành chính 8.000.000 đồng. Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính với tổng số vụ là 357 vụ; Tổng số vụ xử lý là 320 vụ với số tiền thu là 856,91 triệu đồng.