Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xem xét, xử lí nghiêm minh
Pháp luật - Bạn đọc 28/12/2021 10:41
Hồ sơ vụ kiện đang được TAND huyện Kim Thành xem xét giải quyết, đồng thời ông Nam cũng có nhiều đơn tố cáo ông Thọ giả mạo hồ sơ, để làm thủ tục chuyển tên chủ sở hữu DNTN Nam Khương, từ ông Nam sang ông Thọ. Ông Nam chưa có động thái bàn giao doanh nghiệp cho ông Thọ, thì sáng ngày 23/11/2021, ông Thọ huy động nhiều người đến chiếm giữ nhà máy nước sạch Thành Đạt, cũng là trụ sở DNTN Nam Khương và nơi ở của gia đình ông Nam. Ông Nam điện thoại báo 113 Công an huyện Kim Thành, nhưng không nhận được hỗ trợ. Còn Công an xã Kim Đính đến hiện trường, nhưng chỉ lập biên bản, mà không có biện pháp ngăn chặn… Từ đó, ông Nam gửi nhiều đơn đến cơ quan chức năng, nhưng không cơ quan nào vào cuộc giải quyết, mà chỉ chuyển đơn lòng vòng, tới cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết, là Công an huyện Kim Thành, nhưng cơ quan này cũng “án binh bất động”.
Người phía ông Thọ thách thức người nhà ông Nam. |
Ông Nam giải trình: “Sáng 26/4/2021, chúng tôi thống nhất giá chuyển nhượng nhà máy nước là 28 tỉ đồng. Ngày 26/4/2021, chúng tôi kí kết Hợp đồng nguyên tắc, với giá trị chuyển nhượng 28 tỉ đồng. Sau đó ông Thọ có tạm ứng 1 tỉ 350 triệu đồng, với mục đích để tôi đi lo công việc. Sau đó, ông Thọ thúc ép tôi rằng chờ đợi lâu, nên ông Thọ trả tiền vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Chi nhánh huyện Kim Thành trước. Vào ngày 2/8/2021, chúng tôi kí kết Phụ lục hợp đồng số 03, với giá trị 22 tỉ đồng. Đợt một ông Thọ chuyển 12 tỉ đồng vào tài khoản cá nhân của tôi, để tôi trả Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Thành. Ông Thọ và luật sư của ông Thọ yêu cầu tôi kí sẵn bộ hồ sơ chuyển đổi doanh nghiệp, với giá trị 9 tỉ 500 triệu đồng, phù hợp với vốn điều lệ của doanh nghiệp. Tôi có kí và kí nháy từng chân trang.
Ngày 4/8/2021, theo yêu cầu của ông Thọ, tôi bàn giao cho ông Thọ con dấu DNTN Nam Khương, dấu chức danh; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy đăng kí kinh doanh, Quyết định của UBND tỉnh Hải Dương… Sau đó, ông Thọ chuyển thêm cho tôi 4 tỉ đồng, tổng số tiền tôi nhận được là 17 tỉ 350 triệu đồng. Sau đó, tôi phát hiện Hợp đồng mua bán doanh nghiệp tư nhân số 01/2021/HĐMBDNTN, mà tôi đã kí sẵn bị ông Thọ thay các trang 1, 2, 3 vì không có chữ kí chân trang của tôi. Biên bản thanh lí hợp đồng có 2 trang, nhưng không có chữ kí chân trang của tôi ở trang 1. Như vậy là có dấu hiệu ông Thọ giả mạo hồ sơ, nhưng được Phòng Đăng kí kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cấp đổi Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp tư nhân, mang tên chủ sở hữu Nguyễn Vĩnh Thọ. Tôi có nhiều đơn gửi cơ quan chức năng, nhưng đến nay chưa được giải quyết. Do đó, ông Thọ ngày càng lộng hành, khiến cuộc sống gia đình tôi hiện rất khó khăn”.
Tư liệu hình ảnh, camera ghi lại được cho thấy, việc ông Nam tố cáo người của ông Thọ ngày càng lộng hành là có căn cứ. Ngoài huy động đông người đến chiếm giữ nhà máy nước, ông Thọ còn cho người cắt camera, làm hàng rào ngăn cách, phá bể nước làm thay đổi kết cấu hệ thống lọc nước, cắt đường dây điện, phá đường truyền internet khiến con ông Nam không học online được. Sáng ngày 22/12/2021, khi anh Nguyễn Tiến Thành (con ông Nam) ra cổng lấy lương thực (nhờ người mua giúp vì không thể ra khỏi nhà), thì bị mẹ vợ ông Thọ túm, hành hung đuổi cháu ra khỏi nhà. Ngày 24/12/2021, người của ông Thọ khóa cổng, không cho người trong gia đình ông Nam đi lại. Khi ông Nam đi ra ngoài có việc trở về, thì ông Thọ chỉ đạo không cho ông Nam vào nhà, khiến ông Nam phải sinh hoạt ở bên ngoài nhà máy nước.
Hiện gia đình ông Nam gồm: Mẹ ông Nam già yếu, vợ ông Nam và 3 con nhỏ không có nước sinh hoạt, không thể đi ra ngoài mua lương thực. Như vậy, năm người này đang bị người phía ông Thọ “giam lỏng” trong nhà máy nước, tại nhà của chính họ. Không chỉ có vậy, ông Thọ còn cho phá khóa cửa phòng con gái ông Nam, vứt hết đồ đạc tư trang của cháu ra ngoài. Không dừng ở đó, ông Thọ cho phá khóa phòng làm việc của ông Nam, trong đó theo ông Nam gồm nhiều tài sản, chứng từ sổ sách, hóa đơn của nhà máy…
Hành vi của ông Thọ và nhóm người của ông Thọ, có dấu hiệu “Xâm phạm chỗ ở của người khác”, quy định tại Điều 158 và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”, quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Ông Nam đã có nhiều đơn trình báo, tố giác tội phạm gửi Cơ quan CSĐT Công an huyện Kim Thành, kể cả nhiều phiếu chuyển đơn của Công an tỉnh Hải Dương, cũng như một số cơ quan chức năng khác chuyển đến. Thế nhưng, điều lạ là cơ quan này chọn thái độ im lặng, thậm chí không có động thái nào ngăn chặn việc làm của ông Nguyễn Vĩnh Thọ.
Việc chuyển nhượng doanh nghiệp giữa ông Nam và ông Thọ chưa thành, chưa có việc bàn giao và đang có tranh chấp, cần được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Pháp luật không cho phép công dân được tự ý giải quyết tranh chấp bằng bất cứ phương án nào (trừ thỏa thuận), đặc biệt không thể tự ý giải quyết bằng bạo lực. Giữa thanh thiên bạch nhật, mà ông Thọ huy động người đến chiếm giữ doanh nghiệp như vậy, nhưng không có cơ quan chức năng nào can thiệp, ngăn chặn thì thật lạ. Đề nghị Công an huyện Kim Thành có phương án ngăn chặn ông Thọ và người của ông Thọ có hành vi trái pháp luật, trước mắt giải quyết quyền tự do cho năm con người đang bị “giam lỏng”, trong khuôn viên nhà máy nước Thành Đạt.