Chuyển đổi số trước hết phải tập trung vào yếu tố con người
Vấn đề hôm nay 14/04/2022 17:47
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh trình bày tham luận tại diễn đàn. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2022, sáng 14/4, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam - Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp Báo Tuổi trẻ tổ chức Diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn”.
Tham dự diễn đàn có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông; cùng lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí, các nhà báo kỳ cựu, các chuyên gia truyền thông số.
Trong chuyển đổi số, con người là yếu tố quan trọng nhất
Phát biểu tham luận tại diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, suy nghĩ về chuyển đổi số của nhiều cơ quan báo chí chưa thực sự đầy đủ. Theo ông, chuyển đổi số là tạo thêm giá trị cho mọi tương tác với người dùng, khách hàng, là thay đổi cách vận hành của cả một doanh nghiệp, và trong một số trường hợp là tạo ra một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.
“Tại cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hóa công sở, cách trao đổi với nhau, cách xây dựng bộ máy và hệ thống phân cấp trong tòa soạn, thì đầu tư công nghệ hay phần mềm cũng không đem lại lợi ích”, nhà báo Lê Quốc Minh cho hay.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhấn mạnh, chuyển đổi số là nói đến con người chứ không đơn giản chỉ là nói đến công nghệ. Mua sắm thiết bị hay công nghệ hiện đại không phải là thứ khó, mà điều quan trọng là phải khai phá tiềm năng của chính mình và của những người khác.
“Chuyển đổi số, trước hết phải nghĩ đến yếu tố con người. Sự đổi mới sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta không có kỹ năng để sử dụng nó. Con người là yếu tố quan trọng nhất, và cần phải đầu tư một cách có chọn lọc những người có khả năng thích nghi với những kỹ năng, ham học hỏi và linh hoạt”.
Nhà báo Lê Quốc Minh phát biểu. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, sự thay đổi của một đơn vị thường đến từ cấp cao nhất. Nếu trong ban lãnh đạo có những người am hiểu về công nghệ thì chiến lược chuyển đổi số hằng năm sẽ dễ thành công hơn. Trong bối cảnh chuyển đổi số, không thể nào trông đợi những thay đổi lớn nếu không bắt đầu lựa chọn và đi từ những cán bộ cao cấp nhất, ở đây không chỉ là người đứng đầu mà còn là ban lãnh đạo.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nêu một số yếu tố để làm nên một cuộc chuyển đổi số thành công, trong đó nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo có sự am hiểu công nghệ, chú trọng việc xây dựng năng lực cho đội ngũ nhân viên, cũng như phát triển tài năng, kỹ năng cho toàn bộ nhân viên.
“Các lãnh đạo phải nhấn mạnh tính cấp bách của chuyển đối số, đồng thời phải tạo điều kiện để nhân viên làm việc theo cách thức mới, khuyến khích cách làm việc thay đổi hành vi trong toàn hệ thống, cho phép nhân viên ý kiến về việc nên số hóa bộ phận nào, có nên triển khai hay không, và tăng cường sử dụng công cụ digital”.
Báo chí là lĩnh vực đặc thù, do đó sẽ có một chiến lược chuyển đổi số riêng giúp giải quyết những bài toán khó mà các cơ quan báo chí đang đối mặt. Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn |
Có chung quan điểm trên, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho rằng, chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí đầu tiên phải bắt nguồn từ con người, từ người lãnh đạo cho tới đội ngũ phóng viên.
“Người đứng đầu phải có quyết tâm thay đổi quy trình, tổ chức. Trong khi đó, đội ngũ phóng viên cũng phải có ý thức sử dụng công nghệ, và thay đổi nhận thức về công nghệ sử dụng”.
Thứ trưởng cho biết, trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến đào tạo 10.000 công chức, viên chức số cho đất nước, bao gồm cả đào tạo trực tiếp và đào tạo qua mạng, riêng khối báo chí sẽ có 3.000-5.000 chỉ tiêu.
Chiến lược chuyển đổi số cần lấy độc giả làm trung tâm
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhận định, trong môi trường hiện nay, “first-party data” – những thông tin dữ liệu thu thập trực tiếp từ độc giả, khán thính giả là vô cùng quan trọng. Theo đó, nhiều cơ quan báo chí cũng đã sử dụng hệ thống công nghệ để nắm bắt hành vi của người dùng, xem họ đọc tin nào, họ đọc tần suất ra sao, họ đi sâu vào những lĩnh vực nào, để từ đó sản xuất những nội dung phù hợp.
“Dữ liệu thực sự là ‘ô-sin’ của doanh nghiệp, và với báo chí cũng như vậy, dữ liệu là thứ không thể mua được, mà phải chăm bón, nuôi dưỡng, gặt hái nó qua thời gian. Trong quá trình chuyển đổi số, dữ liệu là một nhân tố hết sức quan trọng mà các cơ quan báo chí cần quan tâm”.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, một chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả làm trung tâm có thể giúp thúc đẩy cả doanh thu từ độc giả cũng như doanh thu quảng cáo. Các cơ quan báo chí cần điều chỉnh kế hoạch quảng cáo dựa trên quan điểm độc giả là trên hết và thu thập dữ liệu trực tiếp từ độc giả. Đặc biệt, cần chuẩn bị cho một “thế giới không cookie” thời gian tới, trong khi cân nhắc cơ chế giá và kết hợp sản phẩm in/digital.
Các đại biểu tham dự diễn đàn. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Nhà báo Lê Quốc Minh lưu ý, chuyển đổi số vẫn chưa kết thúc sau khi thực hiện kế hoạch thành công, mà thực tế nó là một quá trình tiếp diễn, hết chu kỳ này phải bắt đầu một chu kỳ khác. Dù đang trong kỷ nguyên số, các tòa soạn phải luôn duy trì những giá trị cơ bản của báo chí, đó là tin cậy, chính xác, công bằng, cân bằng trong mỗi bài viết. Đây là những giá trị hết sức quan trọng, dù có chuyển đổi số hay không.
Tại diễn đàn, bên cạnh tham luận về chuyển đổi số trong báo chí của Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, các tham luận khác tập trung vào các chủ đề: thách thức ngành báo chí ở Việt Nam đang phải đối mặt, giải pháp công nghệ phục vụ quản trị và phát triển nội dung dành cho báo điện tử, và công nghệ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động báo chí như thế nào.
Phiên thảo luận với chủ đề “Mục tiêu và các giải pháp chuyển đổi số phù hợp với cơ quan báo chí Việt Nam” cũng được lãnh đạo Cục Báo chí và các nhà báo kỳ cựu, các chuyên gia chuyển đổi số cùng trao đổi cụ thể.