Chuyển đổi số với NCT ở xã vùng cao Đại Dực
Xã hội 29/03/2024 09:22
Cái hay ở Đại Dực, lợi ích của việc chuyển đổi số cũng đã được nhiều NCT hưởng ứng một cách nhiệt tình. Già làng Lỷ A Sáng, 75 tuổi, người có rất nhiều công bảo tồn tiếng hát Soóng cọ người Sán Chỉ qua mạng điện thoại thông minh. Hát Soóng cọ thường phải có đông người cùng hát mới vui. Vì đây là lối hát giao duyên, một bên nam bên nữ hát đối nhau gần giống như người Kinh hát quan họ.
Người dân vùng cao Quảng Ninh đều biết dùng điện thoại thông minh |
Nhiều người đã thành đôi từ các buổi hát giao duyên này. Ngày nay, lớp trẻ không còn ra bìa rừng hay khu ruộng cạn, để hát với nhau như thế hệ ông bà xưa, vì có nhiều chỗ chơi hơn. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của nhiều NCT, các buổi hát Soóng cọ vẫn được duy trì, thậm chí còn diễn ra hằng ngày vào buổi tối, trong khi mọi người vẫn trong ngôi nhà của mình là nhờ bà con sử dụng điện thoại thông minh. Số người cùng hát giao duyên trong xã kết nối xã khác và cả huyện khác mỗi tối lên đến hàng trăm người. Bà con cùng lập nhóm zalo, những ngày bình thường không phải dịp lễ hội, họ vẫn tụ tập hát. Các cụ vừa hát giao lưu vừa giúp các con trông cháu ở nhà, rất thuận tiện.
Bà Nình Thị Hồ, ở thôn Khe Lục, xã Đại Dực cho hay: “Ngày xưa, lớp người đã cứng tuổi như tôi, nhiều người không biết chữ, vậy mà tôi đã quyết tâm học được con chữ cũng là nhờ có điện thoại. Nhiều niềm vui lắm, nào là đọc được tin nhắn trên zalo khi hẹn hò người cùng nhóm với nhau, hoặc hát hò tập thể với nhau rất vui”. Cũng theo bà Hồ, bây giờ được chuyển đổi số tiện lắm, ngay cả việc đóng tiền điện không mất thời gian như trước đây. Trước thì vợ chồng cứ phải phân công nhau, người đi làm rừng, làm ruộng, hay phải phiền con cháu đi ra phố huyện đóng hộ tiền điện mất ngày, mất buổi. Bây giờ ngày bận, nhưng tối nhớ ra cứ ngồi ở nhà bấm vào máy là xong. Cũng từ điện thoại mà nhiều người còn học được kĩ thuật chăm sóc lúa, cách trồng rừng, cách nuôi dạy con cháu cho tốt.
Ông Nình Văn Quang, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Khe Lục chia sẻ: “Trước đây mỗi lần họp thôn, tôi lại phải leo hết quả đồi này sang quả đồi khác để đến từng nhà mời bà con đi họp. Mà việc ấy cũng rất mất công, vì công việc chính của bà con là làm rừng, làm ruộng, nên họ đi từ sáng sớm đến tối muộn mới về, tôi phải đi đến từng nhà từ sáng sớm hoặc tối muộn, mất nhiều ngày vì một buổi chỉ đi được mấy nhà. Bây giờ thì cứ lập nhóm zalo, nhập thông tin rồi bấm một cái là xong. Ngay cả các cụ nghỉ chế độ họp Đảng, hay muốn thông báo cái gì đó thì cũng không phải đến từng nhà mời như trước, mà cứ lập nhóm rồi thông báo vào nhóm rất tiện”.
Vậy là từ khi tham gia công nghệ chuyển đổi số, NCT ở Đại Dực cũng coi điện thoại là vật bất li thân, con cháu dù đi làm ăn ở xã cũng cứ thỉnh thoảng gọi điện có hình ảnh về cho các cụ, hay nhắn tin trên zalo nên dù ở xa mấy cũng vẫn yên tâm công tác.