Chuyên đề "Những điều cần biết về bệnh đột quỵ" Bài 3: Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh sau đột quỵ
Sức khỏe 21/12/2020 18:22
Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị đột quỵ
Dinh dưỡng luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi của người bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não). Một chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe thể chất và cải thiện được chất lượng cuộc sống sau khi điều trị.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì thực đơn cho người sau tai biến cần được cung cấp đầy đủ về lượng và chất, có sự cân bằng giữa protein, chất béo và carbonhydrate. Năng lượng trong khẩu phần nên giảm bớt để tránh tăng cân, giảm nhẹ hoạt động cho bộ máy tiêu hóa và tuần hoàn. Mức năng lượng đưa vào cơ thể nên dừng ở 30-35 kcal/kg cân nặng/ngày. Nguồn năng lượng nên lấy từ ngũ cốc, rau củ quả.
Bệnh nhân nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, tránh việc ăn quá no, có thể dùng các món ăn ở dạng mềm, lỏng, dễ tiêu hóa như: súp, cháo, sữa,... Cần tránh cho bệnh nhân tai biến ăn những thức ăn lên men, gia vị cay, nóng. Tuyệt đối tránh các thực phẩm có chứa chất gây kích thích như bia, rượu, chè, cà phê, thuốc lá,... bởi đây đều là những yếu tố có thể gây nguy cơ tái phát bệnh đột quỵ ở tình trạng nặng hơn.
Bệnh nhân cũng nên ăn nhạt, giảm lượng đường và muối trong khẩu phần ăn. Lượng muối nên đưa vào cơ thể mỗi ngày chỉ khoảng 4 - 5 gram. Nên tránh các loại thức ăn chế biến sẵn vì chúng chứa nhiều muối, đường như: thịt nguội, thịt hun khói, xúc xích, dưa muối, pate,...
Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh mau chóng phục hồi sức khỏe sau đột quỵ |
Người bệnh nên và không nên ăn gì?
Sau khi bị đột quỵ, sức khỏe của người bệnh giảm sút rất nhiều, do đó, cần bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể hàng ngày bằng những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như:
- Các loại cá là thực phẩm có hàm lượng các loại acid béo omega-3 cao, rất tốt cho tim mạch, hạn chế hình thành mảng bám trong lòng mạch. Hơn nữa, cá còn là nguồn thực phẩm giàu chất đạm giúp người tai biến sớm hồi phục.
- Rau xanh, đặc biệt là rau xanh lá đậm có hàm lượng acid folic rất cao. Nghiên cứu cũng cho thấy, bổ sung ít nhất 300mcg axit folic mỗi ngày sẽ làm giảm 20% nguy cơ đột quỵ và 13% nguy cơ bệnh tim so với người dùng dưới 136mcg/ngày.
- Các loại hoa quả tươi như cam và kiwi có chứa nhiều vitamin C và các chất chống oxy hóa khác rất tốt cho những người cao huyết áp. Vitamin C trong cam có tác dụng chống oxy hóa, làm giảm sự xâm hại của các gốc tự do đối với huyết quản, hàm lượng kali phong phú trong nước cam cũng giúp bổ trợ cho việc hạ huyết áp. Thêm vào đó, mỗi ngày ăn 3 quả kiwi sẽ tốt cho bệnh tim mạch hơn.
- Thực phẩm giàu chất xơ giúp kiểm soát lượng đường trong máu, thúc đẩy và ngăn ngừa bệnh tiêu hóa và giúp kiểm soát cân nặng, giúp làm giảm các yếu tố nguy cơ của tái phát đột quỵ. Các nguồn tốt nhất chứa chất xơ là các loại trái cây tươi hoặc nấu chín và rau quả, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu (ví dụ: Đậu khô, đậu lăng, đậu Hà Lan,…)
Theo Bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm - Chủ tịch Hội Đông y thành phố Hà Nội cho biết, cơ thể con người giống như một vũ trụ thu nhỏ, khi cơ thể mất cân bằng âm dương cũng là lúc bệnh tật có cơ hội hình thành. Vì vậy, song song với việc dùng thuốc chữa bệnh, việc bổ sung dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Ngoài việc sử dụng các thực phẩm bổ sung chất đạm, chất xơ, người bệnh cần uống đủ nước, tránh ăn các thực phẩm cay nóng, đồ nội tạng, kết hợp vận động nhẹ nhàng như ngồi thiền, tập yoga, đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày.
Chuyên đề “Những điều cần biết về bệnh đột quỵ” Bài 2: Dấu hiệu nhận biết sớm và cách xử trí khi bị đột quỵ Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) hiện là một trong số những căn bệnh có tỉ lệ tử vong cao nhất ở nước ... |
Chuyên đề “Những điều cần biết về bệnh đột quỵ” Bài 1: Đột quỵ - “sát thủ” thầm lặng Những ngày qua, giới nghệ sĩ và đông đảo người hâm mộ liên tục bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi đột ngột ... |