Chuyên đề “Những điều cần biết về bệnh đột quỵ” Bài 2: Dấu hiệu nhận biết sớm và cách xử trí khi bị đột quỵ
Sức khỏe 15/12/2020 09:03
Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ não
Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, số lượng bệnh nhân mắc đột quỵ não ngày một tăng, gây tỉ lệ tử vong cao. Sau đột quỵ, nhiều bệnh nhân bị di chứng nặng nề cả về thể xác lẫn tinh thần, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội,… do chi phí điều trị quá lớn trong thời gian dài, đòi hỏi về kỹ thuật y học cao; khả năng hồi phục thấp khiến người bệnh mất khả năng lao động và còn phải có người chăm sóc thường xuyên,...
Thuộc nhóm căn bệnh không lây nhiễm, các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm: Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, méo miệng. Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt nửa người hoặc toàn thân. Người bệnh khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường. Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động. Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ. Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn.
Tùy thể trạng sức khỏe của mỗi người mà các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ có thể xuất hiện khác nhau. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp cơn thiếu máu não thoáng qua với các triệu chứng giống hệt đột quỵ nhưng chỉ xảy ra trong vòng vài phút. Cơn thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo tình trạng đột quỵ sắp xuất hiện, có thể là trong vòng vài ngày hoặc một tháng sắp tới. Những dấu hiệu đột quỵ có thể đến và qua đi rất nhanh. Vì vậy, để phát hiện sớm đột quỵ, bạn cần lắng nghe cơ thể. Khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, cần sớm đến gặp bác sĩ để được tư vấn và thăm khám kịp thời.
Cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng (3 - 4,5 giờ đầu) giúp giảm thiểu tỉ lệ tử vong và để lại di chứng ở người bệnh đột quỵ |
Cách xử trí khi phát hiện đột quỵ
Có thể nói, hiện nay, việc nhận thức về bệnh đột quỵ của đa số người dân vẫn chưa thực sự đầy đủ. Nhiều người vẫn nhầm tưởng đột quỵ là trúng gió, cảm gió bởi có một số dấu hiệu tương đồng như nói ngọng, méo miệng, tê cứng tay chân,... nên khi thấy người thân có các biểu hiện trên thì đã áp dụng một số phương pháp dân gian như xoa dầu nóng, cạo gió bằng lá trầu không, trứng gà, cúng bái,... Quan niệm trên là hoàn toàn sai lầm bởi có thể khiến bệnh trở nặng thêm, thậm chí là tử vong.
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ngọc cho rằng, khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở điều trị chuyên sâu sớm, để tận dụng thời gian vàng trong điều trị nhằm giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế. Nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (khoảng 3 - 4,5 giờ đầu) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc trong cửa sổ 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế được di chứng sẽ tăng lên.
Tuy nhiên khi đột quỵ xảy ra, việc vận chuyển bệnh nhân cũng cần lưu ý đảm bảo an toàn và có ý kiến của các chuyên gia thần kinh. Khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế, việc cấp cứu phải được tiến hành khẩn trương đúng quy trình.
Khi thấy người bệnh có biểu hiện choáng váng, đau đầu, nghi ngờ bị đột quỵ thì người thân và người ở bên cạnh cần nhanh chóng đỡ người bệnh nằm chỗ thoáng, không để bệnh nhân bị ngã gây thêm chấn thương ở vùng đầu. Có thể cho người bệnh nằm nghiêng về một bên nếu bị nôn, móc hết đờm dãi cho dễ thở.
Khi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang một bên, nới bớt quần áo cho thoáng. Đối với địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, hãy để bệnh nhân nằm cáng, không nên chở bệnh nhân bằng xe máy để hạn chế xóc khi di chuyển. Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển đến viện xa, trừ khi có chỉ định của bác sĩ, vì càng di chuyển xa càng có thể làm bệnh nặng hơn. Không tự ý cho bệnh nhân uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác. Cũng không được để nằm chờ xem bệnh nhân có khỏe lại không bởi như thế sẽ để lỡ khoảng thời gian vàng để điều trị, khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn.
Hy vọng với các thông tin về dấu hiệu nhận biết cũng như cách xử trí khi phát hiện người bị đột quỵ có thể giúp cho nhiều bệnh nhân giảm thiểu nguy cơ tử vong và để lại di chứng từ căn bệnh nguy hiểm này, từ đó giúp cho người cao tuổi nói riêng cũng như cộng đồng nói chung giữ gìn được sức khỏe một cách tốt nhất.