Chợ quê vắng bóng người quê
Đời sống 19/11/2019 09:41
Kí ức chợ xưa
“Mười ngàn đồng ba quả bí dài, bảy ngàn bốn quả mướp, hai ngàn đồng mớ rau… giá cả gì mà thương quá trời luôn!”. Đó là chuyện mua bán ở chợ quê, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang của mấy bà, mấy cô. Chị Thoa kể, đi chợ gặp hàng gánh, hàng bưng của các má, các thím lượm ở ao vườn thường rẻ và dễ mua. Lâu lâu họ đi bán một hôm rồi vắng nhiều ngày. Họ ra chợ có gì bán nấy, không mua đi bán lại nên không tính lỗ lãi mà chỉ tính đồng trầu, đồng thuốc, đồng mắm muối…
Nhớ lại ngày trước, nhà tôi có mấy cây mít sai quả chi chít từ gốc lên tới thân cây. Mùa mít chín mẹ gồng gánh quãng đường hơn một cây số ra chợ. Mấy bà hàng xén, hàng vàng mã, hàng bánh kẹo, thuốc lá biết mít ngon bảo nhau xô đến, mỗi người giữ một quả, có khi tranh nhau chí chóe. Người đến trễ không mua được còn tiếc rẻ trách cứ người bán. Chợ dù vắng, dù đông cũng chỉ họp buổi sáng vào phiên ngày mùng 5, mùng 10, 15… âm lịch. Đến cổng chợ là cảm nhận được không khí nhộn nhịp mua bán từ dãy hàng quần áo đến tạp hóa, hàng rau, hàng đậu… đặc biệt vào ngày lễ, ngày tết hàng gà vịt, hàng thịt lợn, hàng tôm cá bao giờ cũng nhộn nhịp hơn…
Chỉ những chợ miền núi cao duy trì lượng người vào chợ (chợ Mường Tè, Lai Châu) |
Còn ở dãy hàng bánh, bún các loại phải đến gần trưa mới đông. Khi đó người mua kẻ bán mới có thời gian để xà vào thưởng thức các món bánh trái, quà vặt. Rồi khi đó cũng là lúc có thời gian để người ta nói chuyện vui, chuyện buồn, chuyện nhà cửa, chuyện chồng con…
Bức tranh chợ quê mang nhiều ý nghĩa về kinh tế và và giá trị văn hóa, tinh thần, cứ ngân nga mãi trong kí ức của mỗi người. Nhưng chợ quê hôm nay đã đổi thay nhiều.
Chợ dần thưa vắng
Cuộc sống hiện tại với các tiện nghi xe máy, tủ lạnh, smartphone... chợ dần thưa thớt và tĩnh lặng hơn mặc dù nhu cầu giao lưu, mua bán tăng nhiều.
Cô Tri, giáo viên sống ở thị trấn Tiên Phước (huyện Tiên Phước, Quảng Nam), cho hay: “Vài năm nay, mỗi khi có hai cô con gái từ Thành phố Hồ Chí Minh về, ba mẹ con mới rủ nhau đi chợ. Chủ yếu để chiều lòng hai cô con gái muốn đến chợ quê, mua vài thứ chỉ chợ quê mới có”.
Tìm hiểu lí do khiến nhiều người ngại vô chợ? Chị Yến, sinh sống ở thị trấn Bến Sung huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: “Cái đó không quan trọng. Mà ra chợ toàn gặp người quen bán hàng. Mua rau ở hàng cô này, cô khác cũng chào mua rau. Họ thấy mình mua bí thì chào mua mướp, thấy mình mua chanh thì chào mua thêm gừng. Thành thử, cứ nể rồi mua. Tốt hơn hết, để không mất lòng ai là không đến chợ nữa”.
Người mua lẻ đã thưa vắng trong các chợ quê (chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) |
Vậy, sinh hoạt hằng ngày dựa vào đâu khi mà hệ thống cửa hàng tiện ích bán lẻ, siêu thị nhỏ chưa vươn đến các thị trấn? Câu trả lời của những người tiêu dùng là họ mua từ các cửa hàng tạp hóa. Ở đó không những chỉ có mì tôm, thuốc lá, bia rượu mà còn có rau cùng các loại thực phẩm, nghêu, cá tôm, thịt lợn... trái cây tươi.
Vào những ngày Rằm, mùng Một các tạp hóa còn bán hoa tươi, như hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền. Như vậy, sự cung ứng đã chuyển dịch từ chợ sang cửa hàng. Nhiều người thấy giá mua ở chợ cũng giống như giá ở cửa hàng. Họ lại nghĩ, thịt cá ở cửa hàng được để trong tủ đông lạnh bảo đảm vệ sinh, cần mua gì, có thể nhắn tin, gọi điện cho một người, không phải chạy qua nhiều hàng mất thì giờ.
Anh Nguyễn Hữu Huân quản lí chợ Chuối, huyện Nông Cống, Thanh Hóa, cho biết: “Tôi có cảm nhận rằng, bây giờ người đi chợ không còn đông đúc như xưa bởi có nhiều sự chọn lựa. Hơn nữa vào chợ phải gửi xe, nên họ ngại không đến chợ mỗi sáng, mỗi chiều”.
Chủ sạp kiêm “síp-pơ”
“Trăm người bán, vạn người người mua”, đó là câu nói xưa khi mọi sự mua bán, trao đổi hầu như chỉ diễn ra ở chợ. Trước đây, tại những nơi gần chợ mới có dăm bảy tiệm tạp hóa trong phố huyện. Đến nay, “trăm người bán” đã tăng lên, như bán hàng online “síp” tận nhà, các cửa hàng tiện ích có điều hòa nhiệt độ, vào cho mát, ngắm rồi mua. “Vạn người mua” không giảm nhưng đã phân hóa, cô Nguyễn Thị Hương ở thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), cho biết: “Tôi nghĩ rằng, nhà ai cũng có tủ lạnh cất trữ đồ ăn. Không phải nấu kĩ, kho khô như bố mẹ tôi trước đây từng làm. Cho nên chuyện đi chợ chỉ là đôi khi mình có việc, ví như họp mặt, giỗ chạp, gặp gỡ”.
Nếu trước đây, nhà nông nuôi con lợn rồi thịt, ăn một nửa, một nửa gánh ra chợ bán, nay chuyện đó đã không tồn tại. Đối tượng đi chợ bán hàng đã trở nên chuyên nghiệp, từ hàng rau, hàng thịt. “Với cách thức buôn bán ở chợ như hôm nay, những người dân tự trồng rau, tự mang rau chợ bán đã không còn phù hợp”, chị Liên bán thịt heo ở chợ Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam, cho biết.
Với một ngôi chợ đã có trên 300 năm, chợ Gạo (Tiền Giang), nơi xe tải cập bãi, thuyền ghe cập bờ, người mua lẻ, người mua buôn tấp nập từ sáng đến tối. Nay cũng vắng người, chị Chuyền bán gạo cho biết: “Thấy vắng vậy mà chúng tôi vẫn bán tốt. Bán cho các võ lãi, tắc ráng... họ mua ở đây, rồi chạy vô trong ruộng rẫy, bán cho bà con”. Hai vợ chồng anh Du bán thịt bò, thịt lợn ở chợ Ấm Thượng (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), kể rằng: “Khách mua hàng qua zalo, tin nhắn nên đứng ở chợ cân đo, tính tiền là vợ tôi. Còn tôi, giống như một síp - pơ. Đôi khi khách còn nhờ mua thêm rau, củ, quả... Mình “đi chợ” luôn cho khách. Vui thôi!”.
Anh Nguyễn Hữu Huân, quản lí chợ Chuối (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), cho biết: “Thực tế, chợ bây giờ chỉ có người lạ đi mua thôi. Vì họ mới đến đây theo công trình, chưa quen tên, biết mặt người bán hàng. Sau đó, những người bán hàng sẽ đem thực phẩm đến tận công trường cho họ”. Thu nhập của đối tượng nào trong chợ sẽ bị giảm đi? Chị Nguyễn Dung, quản lí chợ Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), cho biết: “Đó là những người trông xe. Họ chỉ có thu nhập tốt vào những ngày gần Tết nguyên đán”.