Chợ cóc, chợ tạm Cẩm La bủa vây di tích lịch sử quốc gia
Đời sống 05/01/2024 10:38
Theo phản ánh của nhiều người cao tuổi xã Cẩm La, chợ tạm Cẩm La họp ngay trước cửa miếu Tiên Công - Di tích Lịch sử cấp Quốc gia, hoạt động chủ yếu từ 15 giờ đến 18 giờ hằng ngày, với hàng chục, thậm chí hàng trăm gian hàng bày bán tràn lan trước cổng miếu Tiên Công.
Theo ghi nhận của phóng viên tại chợ tạm Cẩm La, vào lúc 17 giờ ngày 24 và 18 giờ ngày 25/12/2023, có hàng trăm gian hàng, người mua kẻ bán tấp nập. Tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động, rác thải, túi bóng vương vãi khắp trước cửa di tích. Đặc biệt khu gần cuối chợ giáp với phần “lõi” của di tích miếu Tiên Công vài bước chân nào là hàng cá, mực, tôm, ốc, cua, … bốc mùi tanh, xú uế gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mĩ quan di tích. Bên cạnh đó, chợ tạm Cẩm La họp còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, do không có kiểm dịch của y tế hay bộ phận kiểm dịch thực phẩm(!).
Hàng trăm gian hàng ở chợ cóc Cẩm La. Chợ họp ngay trước cửa di tích lịch sử miếu Tiên Công |
Được biết, năm 2019, Cẩm La là 1 trong 3 xã cuối cùng (cùng với xã Tiền Phong và Liên Vị) của Quảng Yên về đích nông thôn mới. Dù đã về đích nông thôn mới, song tiêu chí số 7 về chợ nông thôn của xã vẫn còn “nợ” lại. Thiếu chợ nên nhiều năm nay chợ cóc này mọc ra ngay bên cạnh sân Di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia - miếu Tiên Công.
Ông Vũ Văn Tấn, 78 tuổi, ở thôn Cẩm Thành, xã Cẩm La cho biết: “Người dân xã Cẩm La chúng tôi đã kiến nghị lên xã, thị xã về việc cấm không họp chợ ở di tích, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt cử tri mong muốn xã di dời ngay chợ ra khỏi di tích cấp Quốc gia này. Việc chợ họp ở đây gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến di tích, nhiều hôm mùi tanh bốc cả vào trong gian thờ của di tích. Chợ họp ngay trước cửa di tích, mà di tích Nghè La bên cạnh miếu cũng nhếch nhác, mất vệ sinh môi trường bởi rác thải xả bừa bãi, nước thải ứ đọng. Thỉnh thoảng còn xảy ra tranh cãi, đánh nhau ngay trước cửa miếu. Nhiều vụ va quệt, tai nạn vì chợ họp giáp con đường”.
Theo các tư liệu lịch sử, năm 1434, có 17 vị Tiên Công, người ở phường Kim Hoa, phía Nam thành Thăng Long xuôi thuyền đến vùng cửa biển khu vực đảo Hà Nam. Trong một đêm mưa gió, 17 vị Tiên Công nghe tiếng ếch kêu, biết vùng này có nước ngọt nên đã quai đê lấn biển khai phá ra vùng đảo Hà Nam. Để tưởng nhớ công ơn các vị Tiên Công, người dân xã Phong Lưu đã lập miếu thờ thập thất Tiên Công ở xã Cẩm La, để tuần rằm lễ tiết, tứ thời phụng thờ. Sau đó miếu Tiên Công được tu bổ như ngày nay.
Di tích lịch sử miếu Tiên Công không chỉ là di sản văn hóa Tiên Công với những giá trị vật thể và phi vật thể độc đáo đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Yên cũng như tỉnh Quảng Ninh. Lễ hội miếu Tiên Công là 1 trong 3 lễ hội lớn của thị xã, thu hút rất đông du khách thập phương đến chiêm bái và du Xuân.
Đặc biệt, nhiều người nước ngoài cũng ngưỡng vọng văn hóa Tiên Công, thể hiện nét đặc trưng là tôn vinh những bậc cao niên, vì vậy đã học theo nghi lễ “lễ sống” cụ Thượng. Điều đó cho thấy, giá trị giáo dục truyền thống của di sản không chỉ đối với con cháu Tiên Công ở mọi miền đất nước, mà còn lan tỏa cả tới kiều bào, du khách nước ngoài...
Trải qua hơn 400 năm, sức sống của Lễ hội Tiên Công vẫn bền vững với các nghi lễ, nghi thức và các trò chơi dân gian được duy trì hằng năm. Tháng 2/1990, miếu Tiên Công được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử, Văn hóa cấp Quốc gia (Quyết định số 34/QĐ-BVHTT). Năm 2017, Lễ hội miếu Tiên Công được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ngày 3/10/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Văn bản số 4176/BVHTTDL-DSVH thống nhất với đề nghị của tỉnh Quảng Ninh về chủ trương lập dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích. Với đề nghị UBND tỉnh chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách và nguồn xã hội hóa để thực hiện dự án, Bộ sẽ hỗ trợ một phần kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích gốc. Tuy nhiên, dự án đến nay vẫn chưa được triển khai.
Thiết nghĩ, việc mong muốn di dời chợ cóc, chợ tạm ra khỏi khuôn viên di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia là nguyện vọng tha thiết, đúng đắn của không chỉ người dân xã Cẩm La mà là của nhiều người dân ở thị xã Quảng Yên. Đề nghị UBND xã Cẩm La, UBND thị xã Quảng Yên và các cơ quan chức năng nhanh chóng có biện pháp giải quyết thoả đáng, để di tích trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách mỗi khi đến làng đảo Hà Nam.