Chính quyền quận Cầu Giấy không thực hiện chỉ đạo của thành phố, người dân chờ đợi đến bao giờ?
Pháp luật - Bạn đọc 18/05/2022 10:13
Ông Đỗ Văn Tuấn, ở xóm Giữa, phường Mai Dịch phản ánh: Năm 1953, cụ Đỗ Ngạn viết di chúc, để lại tài sản gồm gian nhà mái ngói 5 gian, nhà có sân, ngõ đi lại và ao cá rộng 2 sào 12 thước cho ông Đỗ Cát Căn. Năm 1956 và 1959, Trường Đại học Thương nghiệp được cấp phép sử dụng 10.040m2 đất, trong đó có một phần đất của gia đình ông Căn, nhưng gia đình không được bồi thường. Năm 1965, gia đình ông Căn đồng ý cho HTX Mai Dịch mượn phần diện tích đất ao, thuộc thửa số 22, tờ bản đồ số 9 để thả cá, gia đình được nhận hoa lợi hằng năm. HTX đều xác nhận việc gia đình ông chỉ cho mượn mặt nước để thả cá, hằng năm tổ cá trả cho gia đình 8 - 10kg cá, chứ không hiến ao cho HTX. Sau này thửa đất ao được phường Mai Dịch quản lí, sử dụng.
Đến năm 1980, gia đình san lấp ao làm nhà ở, cho tới ngày 15/10/1999, bị UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Mai Dịch cưỡng chế, phá dỡ lấy đất. Từ đó gia đình nhiều lần gửi đơn khiếu nại, được trả lời rằng, phần đất mà UBND quận Cầu Giấy cưỡng chế, là công trình xây dựng không phép của gia đình trên đất ao HTX đang quản lí.
Năm 1991, ông Căn làm đơn khiếu nại việc Trường Đại học Thương nghiệp sử dụng phần đất của gia đình, nhưng không bồi thường, yêu cầu trả lại thửa đất ao, nhưng không được giải quyết. Năm 1999, ông Hảo (con ông Căn) xây dựng nhà trên thửa đất ao này. Vì vậy, UBND phường Mai Dịch có quyết định xử phạt hành chính, quyết định cưỡng chế xử phạt hành chính đối với gia đình ông Hảo, vì xây dựng trái phép trên đất công. Đến năm 2001, ông Hảo khởi kiện quyết định xử phạt hành chính.
Các cửa hàng mọc lên trên phần đất của gia đình ông Tuấn đã bị chính quyền cưỡng chế và sử dụng cho thuê. |
Căn cứ Luật Đất đai, các giấy tờ gốc và sự chứng nhận của nhiều người liên quan khẳng định, đất đai nói trên là của gia đình ông Tuấn, do ông nội ông Tuấn để lại, không có mua bán, tặng hay hiến đất cho HTX. Thế nhưng, UBND phường Mai Dịch và UBND quận Cầu Giấy không xác minh kĩ càng, vi phạm về quản lí đất đai, tiến hành cưỡng chế lấy đất của gia đình ông.
Được biết, theo Kết luận số 100 năm 1993 của Thanh tra huyện Từ Liêm (cũ): Về thửa ao số 22 tại tờ bản đồ số 9 năm 1960, diện tích 965m2, người đứng tên trong bản đồ là ông Đỗ Cát Căn. Đến năm 1965 – 1966, HTX Mai Dịch chuyển lên cấp cao, gia đình ông đồng ý giao đất cho HTX để sản xuất, gia đình nhận được hoa lợi bằng cá từ 7 - 12 kg/năm. Đến năm 1991, HTX thôi không trả hoa lợi, thửa ao trên HTX giao cho các cụ phụ lão thả cá. Do đó, không thể trả lại cho gia đình ông. Quan điểm của UBND phường Mai Dịch: Căn cứ vào tờ bản đồ địa chính năm 1986 và các tài liệu liên quan khác, thì khu vực ao thuộc quyền quản lí của HTX nông nghiệp, sau đó thửa đất này được giao cho phường quản lí, sử dụng, nên việc ông Hảo cho rằng diện tích nói trên là của gia đình ông là không có cơ sở.
Ông Đỗ Văn Tuấn bức xúc, bởi các văn bản chỉ đạo giải quyết vụ việc đến nay đã rõ, tại sao các cơ quan chức năng có liên quan vẫn cố tình không giải quyết triệt để, nhằm chấm dứt vụ khiếu kiện kéo dài này? Hơn 20 năm chờ đợi mòn mỏi, với tập đơn thư dày cộp, đến nay gia đình ông Tuấn vẫn chưa nhận được đất. Trong thời gian đó, sự việc cũng đã trải qua mấy đời Chủ tịch phường, mấy đời Chủ tịch quận, đến nay vẫn trong tình trạng “đang giải quyết”… Còn gia đình ông Tuấn vẫn ngày qua ngày gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, đề nghị giao trả đất để gia đình ổn định cuộc sống, mòn mỏi chờ đợi quyền lợi chính đáng của gia đình mình.
Với các chứng cứ, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu không thể chối cãi, ngày 26/12/2019, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cầu Giấy tổ chức làm việc với ông Đỗ Đức Hảo, đại diện gia đình, nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 11101/VP-ĐT ngày 18/11/2019 của Văn phòng UBND TP Hà Nội và Văn bản số 2090 /UBND-ĐT ngày 5/5/2017 của UBND TP Hà Nội để thống nhất lựa chọn vị trí đất, lập hồ sơ đề nghị giao đất có thu tiền sử dụng đất cho gia đình. Tại buổi làm việc, đại diện gia đình đã chọn thửa đất số 01, tờ bản đồ số 38, bản đồ lập năm 1994, khu vực ao xóm Thị, phường Mai Dịch. Phòng Tài nguyên và Môi trường ghi nhận ý kiến, sẽ báo cáo đề xuất UBND quận Cầu Giấy thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, UBND quận Cầu Giấy vẫn không giải quyết, cũng không có phản hồi nào về lí do tại sao chưa giải quyết?
Nhận định của luật sư
Luật sư Hoàng Văn Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: Thửa đất ao đã được cụ Đỗ Ngạn chuyển quyền sử dụng cho ông Căn, theo văn tự trao quyền thừa kế ngày 20/6/1953, có xác nhận của xã ủy Mai Dịch. Theo tờ bản đồ năm 1960, thửa ao số 22, tờ bản đồ số 9 đứng tên ông Căn (thông tin lấy từ bản Kết luận số 100 của huyện Từ Liêm). Do vậy, ông Căn là người có quyền sử dụng hợp pháp với thửa đất ao.
Sau đó vào năm 1965, theo sự vận động của HTX Mai Dịch, gia đình ông Căn đã cho HTX mượn đất để thả cá, hằng năm gia đình ông có nhận được phần hoa lợi. Gia đình ông được nhận phần hoa lợi từ năm 1965 đến năm 1991, thì không được trả hoa lợi nữa. Theo thông tin đến năm 2001, thửa đất này là tài sản công đang được UBND phường Mai Dịch quản lí, sử dụng.
Theo quy định tại Điều 40, Điều 41 Luật Hợp tác xã năm 1996, thì HTX khi giải thể sẽ phải chuyển giao cho chính quyền địa phương vốn do Nhà nước trợ cấp, công trình công cộng, kết cấu hạ tầng phục vụ chung cho cộng đồng dân cư để quản lí và sử dụng cho cộng đồng dân cư. Sau khi thanh toán hết các khoản nợ của hợp tác xã và các chi phí cho việc giải thể, hợp tác xã được chia cho xã viên các tài sản, vốn, quỹ khác còn lại.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 04/BKH-LKT ngày 29/3/1997, khi giải thể HTX nông nghiệp, cần phải tiền hành giao quyền sử dụng đất cho hộ gia đình xã viên, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ. Diện tích đất sử dụng của HTX (sân phơi, nhà kho, chuồng trại…) cần được xác định rõ ràng về diện tích, nguồn gốc và mục đích sử dụng (Nhà nước giao hay cho thuê, đất HTX mua hoặc thuê của cá nhân hay tổ chức, đất chiếm dụng, mục đích làm gì…) theo mẫu. Sau khi kiểm kê, xác định rõ về đất đai, HTX kiến nghị với chính quyền có thẩm quyền xử lí theo các quy định của pháp luật về đất đai.
Như vậy, theo các quy định trên, thời điểm HTX giải thể, nếu trên phần diện tích đất ao có công trình công cộng, kết cấu hạ tầng phục vụ chung cho cộng đồng, thì mới phải chuyển giao cho chính quyền quản lí. Còn lại sẽ được kiểm điểm, xác định từng loại đất để giao quyền sử dụng đất cho xã viên.
Đối với việc UBND phường Mai Dịch, UBND quận Cầu Giấy xác định thửa đất ao là đất công, do UBND phường Mai Dịch quản lí, sử dụng, nhưng đều không đưa ra căn cứ về quyền quản lí, sử dụng thửa đất ao. Nên cần làm rõ, xác định dựa vào đâu phường Mai Dịch được quản lí, sử dụng đối với thửa đất này, từ đó đề ra phương án giải quyết tiếp theo.