Chênh vênh xóm chài giữa lòng thành phố
Nhịp sống 30/05/2023 17:45
Sinh ra và lớn lên ở một xóm chài nghèo thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, chị Nguyễn Thị Nga không nhớ ông cha mình đã sinh sống trên sông nước bao nhiêu năm nay nữa. Chỉ biết rằng, cuộc sống và mọi sinh hoạt của gia đình chị quanh năm suốt tháng bên chiếc thuyền nhỏ chỉ vài mét vuông, và chỉ khi đi chợ thì chị mới lên bờ.
Xóm chài giữa lòng TP Thanh Hóa |
Nằm giữa lòng thành phố sôi động, lấp lánh ánh đèn có một xóm chài nghèo như tách biệt với thế giới xung quanh. Đó là những con thuyền neo đậu trên dòng sông Nhà Lê, cạnh cầu Sâng (TP Thanh Hóa). Gia đình chị Nga cũng trú ngụ tại đây, chị bảo: “Tôi chỉ lên bờ vào lúc đi chợ, còn quanh quẩn suốt ngày dưới con thuyền thôi. Vợ chồng tôi đều sinh sống bằng nghề đánh bắt cá ngay trên tuyến sông này, được ít nào lại mang lên đầu cầu, cách thuyền khoảng chừng trăm mét để bán. Mỗi ngày, vợ chồng tôi kiếm được khoảng hai trăm nghìn đồng, chỉ chắt chiu sinh sống qua ngày.”
Con thuyền rộng chừng 4-5 mét vuông nhưng nhà chị Nga có 4 người sinh sống, 2 đứa con trai cũng đã lớn; chúng được sắp xếp cho một cái “phòng riêng” chừng hơn mét vuông, đặt ở đầu thuyền chỉ đủ để vừa quần áo, sách vở và ngủ.
Chị Nga không biết ông cha mình đã sống dưới sông nước bao nhiêu năm rồi |
Chị Nga cho biết: Mỗi khi nắng, mưa to thì họ chống thuyền sang gầm cầu trú ẩn, nhưng cũng chỉ đỡ được phần nào. Dưới gầm cầu nhỏ hẹp ấy cũng chỉ đủ chỗ cho số ít chiếc thuyền ngụ ở lòng sông này neo đậu. Nên mặc dù nắng có táp, mưa có hắt vào thuyền thì họ cũng phải tự khắc phục.
Cũng như gia đình chị Nga, hàng chục hộ dân thuộc địa phận phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa đã bám trụ ở khúc sông này mấy thập kỷ qua theo kiểu cha truyền con nối. Những người phụ nữ ở đây cho biết: Họ chủ yếu sinh sống bằng nghề buôn bán ngoài chợ hoặc đi làm thuê. Nhiều gia đình mưu sinh từ chính dòng sông này bằng cách chồng bắt cá, vợ đem ra chợ bán sinh sống qua ngày. Mục tiêu trong cuộc sống của họ chỉ là chỉ kiếm ăn ngày hai bữa.
Việc sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây đều quanh quẩn ở khúc sông này. Họ đã rửa bát đũa, đồ dùng, giặt giũ…cũng bằng chính nước sông. Sau đó, tráng lại cho sạch bằng nước máy mua trên bờ. Chính tôi thấy bọn trẻ con cũng thoải mái ngồi trên thuyền và đi đại tiện, tiểu tiện xuống dòng sông ấy.
Mọi sinh hoạt được "gói gọn" trong vài mét vuông |
Có lẽ, thứ duy nhất khác với bố mẹ, ông bà của lũ trẻ nơi xóm chài nghèo này là chúng được tới trường. Còn những chiếc điều hòa, bình nóng lạnh, tủ lạnh…đối với chúng vẫn là điều xa xỉ. Họ chỉ còn ngóng chờ vào tương lai không xa, những đứa trẻ kia được học hành, thành đạt và không phải quay xuống thuyền như bao đời trước nữa.
Ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Thọ cho biết: Hiện những người có hộ khẩu ở phường Đông Thọ đang sinh sống trên sông là 33 hộ, hầu hết là đồng bào công giáo. Trong đó, có 9 hộ thuộc diện được cấp đất, cấp nhà; 3 hộ được hỗ trợ tiền; họ đều là những hộ nghèo. Những hộ còn lại không đủ điều kiện cấp đất vì con cái hoặc bố mẹ của họ đã có nhà trên bờ. Hiện chúng tôi đang tuyên truyền, vận động họ sớm lên bờ để ổn định cuộc sống.
Được biết TP Thanh Hóa là địa phương có nhiều đồng bào sinh sống trên sông nhất tỉnh Thanh Hóa. Ngay sau khi có Kết luận chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, vào tháng 5/2022 về việc cấp đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Thành ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch về hỗ trợ đất ở, nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông trên địa bàn thành phố.
Để sớm ổn định cuộc sống cho bà con, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng yêu cầu các huyện, thành phố có đồng bào sinh sống trên sông, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các ban, sở, ngành có liên quan phải xác định: Việc bố trí đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào đang sinh sống trên sông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị để hoàn thành việc cấp đất và quyết tâm hoàn thành làm nhà cho các hộ xong trước mùa mưa bão năm 2023.