Châu Âu những ngày không yên ả
Quốc tế 03/12/2020 11:12
Bờ vực suy thoái kép
Theo giới chuyên gia, kinh tế Eurozone sẽ giảm 2,5% trong quý IV/2020 sau khi tăng kỉ lục 12,3% trong quý III do phần lớn các nước châu Âu đang chật vật ngăn chặn tốc độ lây nhiễm tăng đột biến của dịch COVID-19. Có tới 44/55 chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters dự báo kinh tế Eurozone hiện đã tiến rất gần tới suy thoái kép bởi các biện pháp phong tỏa mới và các biện pháp hạn chế được áp đặt trên diện rộng nhằm ứng phó với làn sóng COVID-19 thứ hai.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo kinh tế Eurozone sẽ chứng kiến một "sự lao dốc lịch sử" trong năm 2020 dù không quá nghiêm trọng như cảnh báo ban đầu, song đà phục hồi sẽ chậm hơn. Theo IMF, kinh tế Eurozone sẽ giảm 8,3% trong năm nay, một cú "rơi tự do" chưa từng thấy kể từ sau cuộc đại suy thoái trong thập niên 1930. Tuy nhiên, con số này đã có phần tích cực hơn mức dự báo hồi tháng 6/2020 là suy giảm 10,2%.
Biểu tượng đồng Euro tại Frankfurt, Đức |
Trong dự báo mới nhất, EC nhận định kinh tế Eurozone sẽ tăng 4,2% trong năm 2021, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 6,1% được đưa ra vào tháng 7/2020. Lí do là kinh tế Eurozone đang "hụt hơi" dù ghi nhận sự phục hồi tốt hơn dự báo vào giữa năm nay. Còn IMF cho rằng kinh tế Eurozone sẽ có thể tăng trưởng 5,2% vào năm 2021, thấp hơn mức tăng trưởng 6% trong dự báo trước.
Khó vượt qua bất đồng
Trong khi kinh tế Eurozone đang lâm nguy thì tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 11/2020 các nhà lãnh đạo EU lại không thể đạt được nhất trí về kế hoạch ngân sách và phục hồi kinh tế trị giá 1.800 tỉ euro, mặc dù nhu cầu của nhiều nước được giải ngân hàng tỉ euro hỗ trợ thúc đẩy kinh tế trong thời kì dịch COVID-19 vẫn hoành hành, đang hết sức cấp bách.
Kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế của EU có tổng trị giá khoảng 1.800 tỉ euro, bao gồm khoản ngân sách cho giai đoạn 2021-2027 trị giá gần 1.100 tỉ euro và quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỉ euro, vốn được các nhà lãnh đạo EU thống nhất hồi tháng Bảy vừa qua sau nhiều cuộc thương lượng căng thẳng từng khiến EU phải kéo dài hội nghị thượng đỉnh khi đó từ 2 ngày thành 4 ngày. Kế hoạch này phải được Hội đồng Liên minh châu Âu cũng như Nghị viện châu Âu (EP) thông qua, trong đó EP đặt điều kiện gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn liên minh với một cơ chế yêu cầu các quốc gia tôn trọng pháp quyền EU.
Hội nghị thượng đỉnh EU vừa diễn ra theo hình thức trực tuyến cũng không tránh được "vết xe đổ" khi Ba Lan và Hungary kiên quyết phản đối điều kiện trên và đã bác kế hoạch ngân sách của EU. Theo quy định, các kế hoạch này sẽ không thể triển khai nếu không nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của tất cả các nước thành viên và EP, đồng nghĩa hàng trăm doanh nghiệp và hàng triệu lao động thất nghiệp ở châu Âu sẽ chưa được tiếp cận với nguồn hỗ trợ vào thời điểm khó khăn nhất.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, kế hoạch phục hồi kinh tế chưa được thông qua sẽ làm trì hoãn tiến độ thanh khoản hàng trăm tỉ euro vào thời điểm 27 quốc gia thành viên đang phải vật lộn với làn sóng COVID-19 thứ hai và kinh tế toàn khối tiếp tục đối mặt nguy cơ suy thoái trong quý IV năm nay.
Nhiệm vụ nặng nề của ngân sách 2021 là lấp khoảng trống do việc nước Anh rời EU và khôi phục nền kinh tế điêu đứng bởi sự tàn phá của đại dịch. Hạn chót là giữa tháng 12 tới kế hoạch trên phải được thông qua. Nếu không, EU sẽ không có ngân sách vào tháng 1/2021 và khi đó không biết các nền kinh tế thành viên sẽ xoay xở ra sao…