Cáo buộc “mạng tình báo Trung Quốc” xâm nhập khiến Australia rúng động
Quốc tế 28/11/2019 10:05
Thông tin động trời
Các nhân viên tình báo Australia đang điều tra các cáo buộc cho rằng, một nhóm điệp viên Trung Quốc đang cố gắng cài cắm một gián điệp vào Quốc hội liên bang ở Canberrra và đây là một chiến lược dài hạn nhằm gây tác động lên các chính sách của Australia.
Vào ngày 25/11/2019, mạng truyền hình Australia “Nine Network” phát sóng các cáo buộc động trời về nghi án các điệp viện Trung Quốc đã đề nghị cấp 1 triệu đô la Australia (tương đương 680.000 USD) cho nhà buôn ô tô hạng sang Bo “Nick” Zhao ở Melbourne để người này ra ứng cử cho một ghế trong quốc hội ứng với khu vực Melbourne.
Bo “Nick” Zhao, người đàn ông được chuẩn bị cho việc cài cắm nói trên, đã tiết lộ ý đồ trên với cơ quan phản gián Australia ASIO (Tổ chức Tình báo An ninh Australia). Và người đàn ông 32 tuổi này đã chết tại một buồng khách sạn ở Melbourne hồi tháng 3/2019 sau khi đã tiếp cận ASIO. Cảnh sát hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra cái chết của Zhao.
Phản ứng của giới chức Australia
Thủ tướng Australia Scott Morrison mô tả thông tin về ổ nhóm điệp viên này “gây bất an lớn” và cho biết, Canberra sẽ xem xét khả năng siết chặt các bộ luật chống lại sự can thiệp của nước ngoài nếu cần thiết.
Nếu các tiết lộ này mà đúng thì chúng sẽ đe dọa hơn nữa các mối quan hệ vốn đã mong manh giữa Australia và Trung Quốc, đồng thời khiến cho các hoạt động thương mại và chính trị của cộng đồng dân tộc Hoa thiểu số tại đây bị giám sát chặt chẽ hơn.
Chủ tịch Ủy ban tình báo và an ninh của Quốc hội Australia, Andrew Hastie, cho rằng vấn đề này rất nghiêm trọng và đây là “một nỗ lực do nước ngoài tài trợ nhằm xâm nhập Quốc hội của chúng ta, sử dụng một công dân của Australia”.
Tổng Giám đốc cơ quan phản gián ASIO Mike Burgess tuyên bố vào cuối ngày 24/11/2019 rằng ASIO sẽ tiếp tục đứng ở tuyến đầu đối chọi với các can thiệp và hoạt động gián điệp của nước ngoài.
Ai đã tác động vào Zhao?
Zhao cho biết, anh ta đã nhận được sự vận động hành lang từ Brian Chen Chunsheng, một doanh nhân Melbourne bị nghi là có mối liên hệ với tình báo Trung Quốc. Về phần mình, Chen đã phủ nhận cáo buộc này và nói mình chưa bao giờ gặp Zhao.
Người ta tin rằng Zhao bị nước ngoài nhắm tới là vì anh ta gặp một số khó khăn tài chính sau khi bị buộc tội vào năm 2017 là lừa đảo lấy tiền mua ô tô. Theo tin tức của báo chí Australia, hoạt động mua bán của Zhao đổ bể vào năm 2018 và anh ta đã rơi vào tình trạng nợ tiền các nhà đầu tư Trung Quốc “ngầm”.
Bức tranh rộng lớn hơn
Australia đã nỗ lực thắt chặt luật liên quan đến người nước ngoài nhằm ngăn chặn sự can thiệp vào hệ thống chính trị của mình, nhưng tin tức về các vụ can thiệp vẫn liên tiếp xuất hiện. Trong một vụ gần đây, các tin tặc nước ngoài đã đột nhập được vào hệ thống mạng của Quốc hội Australia.
Cựu Tổng Giám đốc cơ quan phản gián Australia, Duncan Lewis, vào tuần trước đã tố Bắc Kinh cố gắng chi phối hệ thống chính trị của Australia thông qua hoạt động gián điệp. Những cảnh báo tương tự cũng được đưa ra vào cuối tuần qua sau khi nhân vật Vương Lập Cường (27 tuổi) đã chạy trốn sang Australia, ở cùng vợ và con tại Sydney sau khi thông báo cho ASIO về cái gọi là nỗ lực của Trung Quốc gây ảnh hưởng lên các hệ thống chính trị.
Tin tức từ truyền thông Australia cho thấy “điệp viên tự thú” Vương đã cung cấp cho phản gián ASIO vô số thông tin cụ thể về cách thức tình báo Trung Quốc cử người xâm nhập phong trào biểu tình ở Hong Kong, hoạt động bầu cử ở Đài Loan và các hoạt động chính trị ở Australia. Nếu các thông tin mà Vương Lập Cường cung cấp là đúng thì anh ta sẽ là đặc vụ Trung Quốc đầu tiên tự gỡ bỏ vỏ bọc của mình.
Chủ tịch Ủy ban tình báo và an ninh của quốc hội Australia và các nghị sĩ đảng Tự do đã hối thúc chính quyền Australia trao quyền tị nạn chính trị cho Vương nhưng đến ngày 25/11 vẫn chưa có quyết định nào từ phía Australia.
Trước các tuyên bố từ phía Australia, ngày 24/11/2019, Bắc Kinh tuyên bố Vương Lập Cường phạm tội lừa đảo và bị cảnh sát Thượng Hải truy nã sau khi anh này chạy trốn bằng một tấm hộ chiếu giả. Trung Quốc thông báo rằng Vương dính vào một dự án đầu tư ma trị giá 960.000 USD liên quan đến việc nhập ô tô.
Còn vào ngày 25/11 trong một cuộc họp báo thường kì, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng một số chính trị gia và hãng truyền thông Australia đã “đạt tới một trạng thái cuồng loạn và cực kì căng thẳng”, và “các quan chức và các nhà báo Australia nên có thái độ lành mạnh đối với Trung Quốc, vừa vì lợi ích quan hệ song phương vừa vì “sức khỏe tâm thần và thể xác của họ”.