Cảnh báo nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi khi thời tiết chuyển rét đậm
Sống khỏe 12/12/2022 07:57
Nghiên cứu cho thấy, có tới 78% số người bị đột quỵ là do tăng huyết áp, số còn lại là do huyết áp tụt đột ngột và các yếu tố bệnh lý tim mạch khác. Trong khi đó, từ đầu tháng 12/2022, không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng đến nhiều tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung đã khiến lượng lượng bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng lên.
Theo PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thống kê cho thấy mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ và trung bình số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm một tỉ lệ lớn bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Phần lớn là bệnh nhân trên 45 tuổi, ngoài ra cũng ghi nhận một số người trẻ mới chỉ trên dưới 30 tuổi.
Thời tiết lạnh là yếu tố nguy cơ hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, có thể dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Đáng lưu tâm hơn là di chứng do đột quỵ để lại có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh sau khi thoát cơn "thập tử nhất sinh".
Bởi lẽ, người bệnh có thể bị liệt nửa người, méo miệng, rối loạn cơn tròn và chức năng vận động, gây khó khăn trong các sinh hoạt ăn uống hằng ngày. Đồng thời, với nhiều trường hợp bị di chứng nặng còn phải phụ thuộc người thân chăm sóc, đây thực sự là một gánh nặng lớn cho gia đình người bệnh đột quỵ.
Bà Nguyễn Thanh Mai (60 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Chồng tôi bị đột quỵ não vào mùa đông cách đây 4 năm về trước. Do lúc đó tôi và các con đi vắng nên không thể đưa ông ấy đi cấp cứu kịp thời. Mãi sau chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai thì may được các bác sĩ cứu chữa. Mặc dù giữ lại được tính mạng nhưng ông nhà tôi bị di chứng liệt nửa người, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày và mất hoàn toàn sức lao động. Đây là điều mà gia đình tôi vẫn day dứt bấy lâu. Giá như ngày đó, ông xã tôi được đưa đi cấp cứu kịp thời thì có lẽ giờ ông ấy vẫn khỏe mạnh và đi làm bình thường."
Liệt nửa người là di chứng vô cùng nặng nề mà căn bệnh đột quỵ trong mùa lạnh để lại. Ảnh minh họa. |
Bàn về khả năng dẫn đến đột quỵ trong mùa lạnh, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng trời lạnh làm mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp làm lưu lượng máu đến não chậm hơn. Khi mạch máu co lại dễ làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Đặc biệt với những người đã từng bị xơ vữa động mạch vành hay thuyên tắc tĩnh mạch thì có thể bị vỡ mạch máu não dẫn đến đột quỵ.
Đối với căn bệnh này, thời gian từ khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ đến khi bắt đầu điều trị là cực kỳ quan trọng, tức là dưới 6 tiếng từ khi khởi phát dấu hiệu đầu tiên. Y văn gọi đó là "thời gian vàng" quyết định sự sống của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não. Nếu người bệnh được đưa đến cơ sở y tế càng sớm thì sẽ giảm bớt tỉ lệ tử vong và để lại di chứng nặng về sau. Với các trường hợp nhẹ, chỉ cần dùng thuốc tiêu sợi huyết thì người bệnh có thể thoát khỏi nguy hiểm, có khả năng phục hồi trở lại gần như người bình thường.
Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là người cao tuổi có bệnh lý về tim mạch, huyết áp khi đột nhiên xuất hiện những dấu hiệu như méo miệng, lưỡi tê cứng, khó nói hoặc không nói được, nhìn mờ thì cần báo cho gia đình hoặc gọi xe cấp cứu đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.
Đồng thời, khi có một số biểu hiện khác mang tính chất như "cơn thiếu máu não thoáng qua" như cảm giác tê mỏi chân tay, khó khăn khi thực hiện các thao tác sinh hoạt, nói chậm, rối loạn trí nhớ,... cũng cần đưa đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán kịp thời và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, tránh dẫn đến tình trạng chuyển biến xấu hơn.
Ngoài ra, gia đình có người cao tuổi cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt khi thời tiết chuyển lạnh, đặc biệt là trở rét đậm. Việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống thuốc điều hòa huyết áp, giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng đầu cổ và hai bàn tay, bàn chân là điều cực kỳ quan trọng giúp người cao tuổi giảm bớt nguy cơ bị đột quỵ trong mùa lạnh.