Cần xem xét cấp sổ đỏ cho bà Trương Thị Tâm
Pháp luật - Bạn đọc 13/01/2022 09:56
Nguồn gốc thửa đất
Bà Trương Thị Tâm, 63 tuổi, ở xóm Tiên Đồng, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc có đơn phản ánh: Năm 1970, cụ Phạm Ngọc Thanh, cha chồng bà Tâm ra khai phá một vùng đất hoang ven biển khoảng gần 10.000m2. Năm 1978, ông Phạm Ngọc Tĩnh (con đầu cụ Thanh) kết hôn với bà Tâm. Năm 1980, vợ chồng bà Tâm ra dựng nhà sinh sống. Xung quanh vườn được trồng hóp và bạch đàn bao quanh, nay cây có đường kính một người ôm không xuể. Đất cằn cỗi nên mỗi năm bà Tâm chỉ trồng 5 sào lạc còn lại bỏ hoang. Năm 1994, thực hiện Nghị định 64 của Chính phủ, UBND xã Nghi Xuân đo đạc lập bản đồ địa chính để cấp sổ đỏ. Do vợ chồng bà Tâm đi làm ăn xa, con cái ở nhà kê khai đất ít hơn thực tế, vì sợ khai nhiều sẽ giảm diện tích đất nông nghiệp được chia ngoài đồng. Đất sử dụng ổn định, có ranh giới rõ ràng, không tranh chấp, nhưng cũng chỉ kê khai hơn 1.000m2. Bên cạnh sự kém hiểu biết, Ban đo đạc lập bản đồ 299 của xã Nghi Xuân cũng làm việc thiếu trách nhiệm dẫn đến đất của bà Tâm chỉ có 1.036m2, thuộc thửa số 47, tờ bản đồ số 01, (Bản đồ 299). UBND huyện Nghi Lộc khi cấp sổ đỏ cho bà Tâm cũng theo diện tích như trên. Trong khi diện tích thực tế đất của bà Tâm gần 10.000m2. Năm 2008, UBND huyện Nghi Lộc nhận thấy bản đồ 299 cập nhật số liệu sai so với thực tế sử dụng nên đã tiến hành đo đạc, chỉnh lí số liệu. Khi đo đạc, ông Mai Khắc Hồng, Trưởng xóm Tiên Đồng đã chỉ đạo chia thửa đất của bà Tâm thành hai thửa là thửa 121 và 122. Trong đó: Thửa số 122 diện tích 4.379m2 gồm: Đất vườn và đất ở. Thửa số 121 diện tích 4.792m2, mục đích sử dụng: Đất trồng cây lâu năm.
Cây trồng năm 1980 trong vườn bà Tâm. |
Xác định nguồn gốc đất của bà Tâm
Sau khi chồng mất, do hoàn cảnh “mẹ góa, con côi”, đất vườn rộng, bà Tâm muốn bán bớt một phần để lấy tiền tu sửa lại căn nhà nhưng vẫn không được, lí do: Đất trong sổ đỏ lớn hơn đất tại thực địa. Ngày 26/9/2020, bà Tâm viết đơn “Khiếu nại và đề nghị xem xét về việc trích đo để cấp sổ đỏ”. Đơn có 2 nội dung: Thứ nhất, xin đo đạc chỉnh lí thửa đất số 47, tờ bản đồ số 01, bản đồ 299 cho đúng với thực tế. Thứ hai, hủy sổ đỏ của UBND huyện Nghi Lộc cấp ngày 28/12/1999 cho bà Tâm với lí do, sai ranh giới thửa đất dẫn đến diện tích đất thực tế không đúng với diện tích trong sổ đỏ. Ngày 15/10/2020, UBND huyện Nghi Lộc đã chỉ đạo Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân báo cáo kết quả giải quyết đơn thư của công dân. Tiếp đó, UBND huyện Nghi Lộc ban hành nhiều văn bản đôn đốc UBND xã Nghi Xuân giải quyết đơn và báo cáo kết quả lên UBND huyện trước ngày 25/7/2021.
Thực hiện chỉ đạo trên, vào hồi 14 giờ ngày 22/10/2021, tại xóm Tiên Động, UBND xã Nghi Xuân đã tổ chức cuộc họp cụm dân cư các hộ dân sử dụng đất cùng thời điểm để lấy ý kiến về nguồn gốc, hiện trạng sử dụng, ranh giới thửa đất hộ bà Tâm. Thành phần cuộc họp gồm: Ông Phạm Ngọc Duyên, Chủ tịch UBND xã; ông Phạm Đình Hải, Phó Chủ tịch UBND xã; cán bộ công chức tư pháp và công chức địa chính xã Nghi Xuân; Cụm dân cư xóm Tiên Động có 32 hộ tham gia. Cuộc họp có 14 ý kiến phát biểu, trong đó tất cả đều xác nhận: “Thửa đất của bà Tâm có nguồn gốc do cụ Phạm Ngọc Thanh khai hoang từ trước những năm 1970. Vợ chồng bà Tâm sử dụng và làm nhà trên thửa đất từ năm 1980 đến nay. Ranh giới thửa đất: Phía Đông giáp đường đi vào nghĩa địa. Phía Bắc giáp chân núi đá dựng. Phía Tây giáp bờ ao sen. Phía Nam giáp vườn cây quốc gia. Toàn bộ cây cối xung quanh vườn hiện nay đều do vợ chồng bà Tâm trồng”. Tại cuộc họp, ông Mai Khắc Hồng, 73 tuổi, nguyên Trưởng xóm, nay là Chi hội trưởng Hội NCT xóm Tiên Đồng đã xin lỗi và thừa nhận: Năm 2008, khi ông làm Trưởng xóm đã cùng ban đo đạc xã tùy tiện chia thửa đất bà Tâm thành 2 thửa. Ngày 12/11/2021, UBND xã Nghi Xuân đã có Báo cáo số 205/BC-UBND, đề nghị UBND huyện, Chi nhánh Văn phòng Đăng kí đất đai huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Lộc xem xét giải quyết cho bà Tâm làm thủ tục chỉnh lí diện tích trên bản đồ địa chính theo quy định.
Cần xem xét bảo vệ quyền lợi cho gia đình bà Tâm
Trao đổi vấn đề trên với ông Hoàng Công Tuấn, công chức Địa chính xã Nghi Xuân được biết: Nếu thửa đất trên có đầy đủ cơ sở pháp lí thì đủ điều kiện cấp sổ đỏ cho bà Tâm, gồm: Đất ở và đất vườn. Thực tế thửa đất trên gần 10.000m2 bà Tâm sử dụng từ năm 1980 đến nay. Tuy nhiên năm 1999 khi cấp bìa đỏ chỉ có 1.036m2 đất ở và đất vườn. Năm 2008, thửa đất này lại tách thành 2 thửa là 121 và 122.
Ông Mai Hồng Lê, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng kí đất đai huyện Nghi Lộc cho biết: Vấn đề đất vườn của bà Tâm có nguồn gốc từ năm 1970, làm nhà từ năm 1980 đến nay, đất không có tranh chấp, được cộng đồng dân cư và UBND xã xác nhận đúng, điều đó không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, trong sổ đỏ chỉ có 1.036m2, năm 2008 lại tách thành 2 thửa. Như vậy, sổ đỏ của bà Tâm cấp chưa chính xác. Do sai số quá lớn, vì vậy phải có kết luận của Thanh tra huyện về thửa đất khi đó mới có cơ sở cấp đổi sổ đỏ.
Đem vấn đề trên trao đổi với cán bộ Thanh tra UBND huyện Nghi Lộc được biết: Hiện tại Thanh tra huyện Nghi Lộc chưa nhận được đơn của bà Tâm. Vị cán bộ này đã gọi điện cho bộ phận tiếp dân huyện được biết: Bộ phận tiếp dân huyện đã nhận được đơn của bà Tâm và đã yêu cầu UBND xã Nghi Xuân làm báo cáo trả lời. Tuy nhiên báo cáo của UBND xã Nghi Xuân chưa đúng thể thức nên huyện đang yêu cầu xã Nghi Xuân làm báo cáo lại cho đúng thể thức văn bản.
Căn cứ theo Khoản 5, Điều 98 Luật Đất đai năm 2013; Điều 24a, Nghị định 01/2017/NĐCP ngày 6/1/2017 của Chính phủ và mới đây nhất là Điều 16, Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND ngày 17/9/2021 của UBND tỉnh Nghệ An quy định: “b) Trường hợp ranh giới thửa đất đang sử dụng có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 24a Nghị định số 43/2014/NĐCP”. Đối chiếu theo quy định trên, thửa đất của bà Trương Thị Tâm đủ điều kiện được cấp bìa đỏ.