Cần liên thông giáo dục tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh
Giáo dục 15/06/2021 07:42
Hội thảo trực tuyến góp ý về quy định giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông (THPT) trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho các học sinh đã tốt nghiệp THCS. |
Tham dự có ông Lê Văn Quản, Chủ tịch Hội GDNN TP Hồ Chí Minh, chủ trì hội thảo; ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội GDNN TP Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng trường cao đẳng Viễn Đông; ông Đặng Văn Đại, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Đông Sài Gòn; Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TP.Hồ Chí Minh; ông Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn' cùng đại diện các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chương trình giáo dục THPT được lựa chọn phù hợp với ngành, nghề đào tạo của giáo dục nghề nghiệp để giảng dạy cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đối với mỗi ngành, nghề, học sinh phải học ít nhất 4 môn học gồm 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn; mỗi môn 270 tiết) và ít nhất 2 môn lựa chọn (trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý; mỗi môn 180 tiết).
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Quản, Chủ tịch Hội GDNN TP Hồ Chí Minh cho biết: Tại Chỉ thị 14/CT-TTG ngày 25/5/2021 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương ban hành văn bản quy định việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo đúng quy định tại khoản 4 điều 28 Luật Giáo dục năm 2019, khoản 4 Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 nhằm tạo điều kiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, các tổ chức khác đủ điều kiện đều có trách nhiệm tham gia thúc đẩy giáo dục thường xuyên theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, đẩy mạnh liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo; rà soát các quy định theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định chưa thực sự tạo sự liên thông giữa các trình độ đào tạo nhằm huy động, tạo điều kiện cho các loại hình cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia giảng dạy nghề nghiệp và tham gia giảng dạy văn hóa giáo dục phổ thông. Đây là nội dung nhiều cơ sở giáo dục tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đang quan tâm, nhằm tạo điều kiện để các em có thể được học văn hóa tại cơ sở GDNN.
Tiến sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông cho biết: Tại dự thảo này, ở điều 13, 14 của dự thảo quy định chỉ các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT mới được tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT. “Các trường cao đẳng, trung cấp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH không được cấp giấy chứng nhận, ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi người học. Các em học nghề một nơi lại phải học văn hoá một nẻo và trường nghề không được chủ động trong việc đào tạo, cấp giấy chứng nhận là rất thiệt thòi cho học sinh. Thông tư cần điều chỉnh để trường cao đẳng, trung cấp đủ điều kiện sẽ được phép dạy chương trình văn hoá 4 môn lẫn chương trình 7 môn để học sinh được lựa chọn và được học ngay tại trường nghề, không phải di chuyển 2 nơi", Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông kiến nghị.
Hơn 20 trường cao đẳng, trung cấp tại TP Hồ Chí Minh tham dự hội thảo. |
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội GDNN TP Hồ Chí Minh góp ý tại hội thảo; Bộ LĐ-TB&XH, Bộ BG&ĐT nên nghiên cứu quy định thực hiện như trước đây, cụ thể; ngày 23/6/2017, Bộ GD&ĐT đã có công văn cho phép các trường nghề tạm thời áp dụng giảng dạy nội dung chương trình văn hóa THPT theo quy định tại Thông tư số 16/2010-BGDĐT ngày 28/6/2010 quy định về khung chương trình trung cấp chuyên nghiệp. Hiện, Thông tư này đã hết hiệu lực thi hành. Hoặc trước năm 2018, tại nhiều địa phương, Sở GD&ĐT đã cho phép các trường (bao gồm: trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng) được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT (7 môn văn hóa bắt buộc). Sau khi hoàn thành chương trình, người học được tham dự thi THPT để nhận bằng tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, người học có bằng tốt nghiệp trung cấp nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) theo quy định tại Thông tư 16/2010-BGDĐT cũng được thi đại học. “Tôi chỉ mong muốn là các trường cao đẳng, trung cấp có phân luồng học trung cấp, thì không phải là vấn đề ai dạy văn hóa phổ thông mà thực hiện như thời trung cấp chuyên nghiệp 3 năm, học trung cấp phải học thêm văn hóa phổ thông và có bằng trung cấp thì được liên thông cao đẳng, đại học; còn học trung cấp 2 năm không học văn hóa thì chỉ học đến cao đẳng".
Ông Đặng Văn Đại, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Đông Sài Gòn đề nghị trong dự thảo của Bộ GD&ĐT; tại điều 3 khoản 1, cần bổ sung các trường cao đẳng, trung cấp có đủ điều kiện giảng dạy thì tạo điều kiện cho các trường giảng dạy, học sinh học hết chương trình phổ thông hoặc học hoàn thành khối lượng THPT thì phải được cấp chứng chỉ đã học hết chương trình phổ thông và phải được thi tốt nghiệp THPT thậm chí cả đại học. "Em nào không cần thi tốt nghiệp THPT thì chỉ cần lựa chọn học 4 môn văn hoá, em nào có nhu cầu thi tốt nghiệp thì chọn 7 môn văn hóa, trường cao đẳng, trung cấp sẽ được quyền cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) và giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT (7 môn). Đồng thời trường nghề sẽ được đăng ký với Sở GD&ĐT cho những học sinh hoàn thành 7 môn được thi tốt nghiệp THPT. Toàn bộ quá trình này không cần thông qua Trung tâm Giáo dục thường xuyên nữa".
Đồng quan điểm trên, ông Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn bổ sung, cần xem lại biên độ thời gian, đối tượng hoc 4 môn hay học hoàn thành chương trình 7 môn để thi tốt nghiệp THPT.
“Nên nhìn nhận đơn vị nào dạy học cho các cháu tốt thì tạo điều kiện, sửa đổi thông tư phải dựa trên góc độ thực tế, khi định hướng cho con đi học nghề phụ huynh luôn luôn mong muốn con được tiếp tục học các môn văn hóa, được thi tốt nghiệp THPT, được cấp bằng tốt nghiệp THPT, đây là nhu cầu tất yếu của xã hội, thực tế nhiều đơn vị sử dụng lao động vẫn yêu cầu bằng tốt nghiệp THPT”, Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TP.Hồ Chí Minh cho biết.
Trước đây khi Bộ GD&ĐT còn quản lý các trường cao đẳng, trung cấp học sinh tốt nghiệp THCS trong quá trình học nghề vẫn học các môn văn hóa bậc THPT. Tuy nhiên, khi khối các trường cao đẳng, trung cấp chuyển về Bộ LĐ-TB&XH quản lý (ngoại trừ trường CĐ sư phạm), học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung cấp thì không học các môn văn hóa bậc THPT trong thời gian học nghề mà phải học ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Vì vậy, học sinh gặp khó khăn nếu muốn học cao hơn, đặc biệt là liên thông lên đại học, bởi lẽ muốn thi đại học yêu cầu phải học đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT. |
Tại hội nghị, đại diện các trường cao đẳng, trung cấp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều đồng quan điểm. Học sinh có bằng tốt nghiệp THCS sở theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học và hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT, được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT để sử dụng trong việc theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật. Để đạt được mục tiêu và tránh phiền hà cho học sinh thì cần phải có thông tư liên tịch giữa Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH để tránh tình trạng mỗi bộ có quy định khác nhau, không thể phối kết hợp được gây khó khăn cho người học.