Cần làm rõ quy trình bổ nhiệm ông Lý Láo Lở làm Chủ tịch UBND xã Tả Phìn
Pháp luật - Bạn đọc 09/02/2022 15:42
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Ông Lở tốt nghiệp THCS năm 2004; năm 2007, tốt nghiệp Trung học chuyên nghiệp ngành Địa chính - Xây dựng, Đại học Thái Nguyên; Năm 2008 tuyển dụng vị trí: Công chức Địa chính xã Tả Phìn (Quyết định 43/QĐ-UBND ngày 24/01/2008 của UBND huyện Sa Pa); Năm 2009 - 2014, học đại học chuyên ngành Địa chính (là đúng chuyên ngành); khi sắp xếp cán bộ nhiệm kì 2015 - 2020, ông Lở được phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức Phó Chủ tịch UBND xã Tả Phìn (Quyết định 726/QĐ-UBND, ngày 26/6/2015 UBND của huyện Sa Pa); năm 2017, ông Lở có tham gia thi tốt nghiệp THPT nhưng không đỗ; năm 2018, ông Lở có bằng tốt nghiệp THPT; Ngày 20/1/2020, tại Quyết định phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND xã Tả Phìn khoá XIX, nhiệm kì 2016 - 2021 (Quyết định 113/QĐ-UBND, do ông Lê Tấn Phong, Chủ tịch UBND thị xã kí).
Trụ sở UBND xã Tả Phìn |
PV: Thưa các ông, trước khi quy hoạch cán bộ UBND xã, có cần thẩm tra tư cách và hồ sơ của cán bộ không?
Ông Vũ Đức Hòa: Trước khi kết nạp đảng viên và quy hoạch cán bộ thời điểm đó Huyện uỷ Sa Pa (nay là Thị ủy Sa Pa) và Công an thị xã đã xác minh và có kết quả thẩm tra đạt yêu cầu.
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Ông Lý Láo Lở có khai trong lí lịch đã hoàn thành trương trình trung học phổ thông. Sau khi bổ nhiệm, ông Lý Láo Lở giữ chức vụ Chủ tịch xã Tả Phìn, rà soát hồ sơ cán bộ thì thấy thiếu bằng tốt nghiệp cấp 3. Chúng tôi đã yêu cầu ông Lở bổ sung. (Giai đoạn trước điều kiện thi và tốt nghiệp THPT khó, nên năm 2018 ông Lở mới hoàn thiện được điều kiện về bằng tốt nghiệp THPT).
PV: Thưa các ông, việc ông Lý Láo Lở có bằng tốt nghiệp THPT sau khi được bổ nhiệm vậy có được gọi là “sai quy trình”?
Ông Vũ Đức Hòa: Nếu đối chiếu theo các Quy định của pháp luật Nhà nước thì đang bị thiếu tiêu chuẩn, chứ nếu gọi là sai thì không hẳn là sai. Điều kiện quy định là như vậy, nhưng điều kiện thực tế sử dụng cán bộ trong từng thời điểm đó có nhiều cái khác nhau, công tác cán bộ rất khó khăn, tìm được những cán bộ đủ tiêu chuẩn để quy hoạch là rất khó. Thậm chí, thời điểm đó không tìm được cán bộ người địa phương để đáp ứng được những tiêu chuẩn đó.
PV: Thưa ông, việc lựa chọn cán bộ người địa phương nằm trong quy định nào của UBND tỉnh Lào Cai hay của Trung ương?
Ông Vũ Đức Hòa: Vấn đề này không nằm trong quy định nào, nằm trong thực tế cần phải lựa chọn để phù hợp với thực trạng ở cơ sở. Không chỉ Sa Pa, mà ở các địa phương vùng sâu vùng xa rất khó khăn, tìm được người tốt nghiệp THPT lúc đó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mà xã Tả Phìn là 1 trong những xã có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề chính trị, văn hoá rất khó khăn. Cấp uỷ và chính quyền địa phương phải căn cứ vào tình hình thực tế về kinh tế, chính trị để bổ nhiệm, hoặc đào tạo bồi dưỡng nên có thể thiếu tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn kia. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn động viên người có năng lực làm việc thật sự và cho lộ trình để hoàn thiện.
PV: Thưa các ông, những khó khăn trong công tác quy hoạch cán bộ cấp uỷ và địa phương có được báo cáo lãnh đạo cấp trên để có phương án tháo gỡ không?
Ông Vũ Đức Hòa: Tại điểm a, Khoản 2, Điều 11, Quyết định 43/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lào Cai quy định: Những trường hợp không đủ tiêu chuẩn theo quy định này thì căn cứ thẩm quyền, cơ quan quản lí cán bộ, công chức có trách nhiệm: Cử đi đào tạo, đào tạo lại (đối với những trường hợp trong độ tuổi đào tạo) và bồi dưỡng để bảo đảm tiêu chuẩn quy định, nâng cao năng lực thực tiễn. Theo đó, chúng tôi có yêu cầu ông Lở bổ sung bằng tốt nghiệp THPT và đến năm 2018 ông Lở đã thi đỗ và có bằng như tiêu chuẩn yêu cầu.
PV: Thưa ông, có chứng cứ dẫn chứng cho việc cơ quan quản lí cử ông Lở đi học THPT hoặc yêu cầu ông Lở đi thi THPT không?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Tại thời điểm đó, chỉ lên danh sách và yêu cầu, nhưng chúng tôi chưa chắc chắn về việc này. Năm 2017, địa phương bắt đầu triển khai văn bản điện tử nên e rằng tìm những văn bản giấy chưa chắc đã có… Chúng tôi sẽ tìm và cung cấp cho Tạp chí, để Tạp chí trả lời và thông tin tới bạn đọc.
PV: Xin cảm ơn các ông!