Cần giải quyết nguyện vọng chính đáng của các hội viên Liên chi hội NCT Duệ Tú
Pháp luật - Bạn đọc 08/09/2023 09:26
Đình Duệ Tú không chỉ là công trình lịch sử văn hoá mà còn là địa bàn hoạt động của Xử uỷ Bắc Kỳ và Thành uỷ Hà Nội trong những năm 1943-1945. Trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Duệ Tú là nơi tập trung cán bộ và Nhân dân, mục đích là phục vụ bộ đội và dân quân tự vệ. Năm 1947, đình Duệ Tú bị lính Pháp đốt cháy chỉ còn lại một phần hậu cung.
Phần kẻ đỏ hất sang phải là phần đất mượn của Trường Đại học Thủ Đô. |
Năm 1965, để xây dựng Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (nay là Đại học Thủ đô) ông Nguyễn Văn Vọng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao đổi với các cụ ở đình Duệ Tú và cán bộ địa phương để mượn đất xây dựng trường, cho học sinh đi học. Với tinh thần phục vụ cho công tác đào tạo thế hệ trẻ tương lai của Thủ đô, cán bộ và NCT địa phương đã cho mượn gần hết phần đất của đình để xây dựng lại trường học (gần 2.000m2 đất).
Đầu năm 2004, cụ Nguyễn Văn Lập, 95 tuổi, đại diện cho Chi hội NCT làng Duệ Tú có đơn gửi UBND TP Hà Nội và nhiều cơ quan từ địa phương tới Trung ương đề nghị xin lại một phần đất trước đây của đình Duệ Tú đã cho Trường Đại học Thủ Đô mượn để xây dựng và khôi phục lại ngôi đình.
Ngày 20/7/2004, Văn phòng HĐND và UBND TP Hà Nội có Công văn số: 11243/PC-DT chuyển nội dung của cụ Lập tới UBND quận Cầu Giấy và đề nghị UBND quận Cầu Giấy giải quyết theo thẩm quyền.
Sau khi xem xét, đầu năm 2015, UBND quận Cầu Giấy xin ý kiến thành phố đầu tư xây dựng, khôi phục lại đình Duệ Tú. Cụ Phạm Quang Hướng, 81 tuổi, Trưởng Tiểu ban quản lý khu di tích đình Duệ Tú cho biết: “Năm 2015, UBND TP Hà Nội thu hồi 100m2 của Trường Đại học Thủ đô để xây dựng, tôn tạo lại đình Duệ Tú. Đầu năm 2019, đình Duệ Tú được UBND TP Hà Nội xếp hạng Di tích Lịch sử - Nghệ thuật cấp thành phố. Do không có sân đình, UBND quận Cầu Giấy mượn tạm 98,7m2 đất (98,7m2 đất này hiện do Trường Đại học Thủ Đô quản lí) để làm sân. Người dân nơi đây rất phấn khởi, tuy nhiên, nhiều cụ cao tuổi ở phường vẫn trăn trở sân đình quá chật hẹp, hình dáng méo mó, những ngày tổ chức lễ hội truyền thống, dân làng và khách thập phương về dự không có chỗ đứng, chỗ ngồi, phải đứng ở cổng đình và ngoài đường giao thông để lễ vọng vào đình. Việc này vừa mất đi sự trang nghiêm của chốn tâm linh, vừa ảnh hưởng đến an toàn giao thông của Nhân dân. Do vậy, chúng tôi kiến nghị quận Cầu Giấy, UBND TP Hà Nội xem xét thu hồi một phần đất trống của Trường Đại học Thủ Đô để mở rộng sân đình, sao cho phù hợp với cảnh quan của một di tích Lịch sử - Nghệ thuật”.
Cũng theo cụ Phạm Quang Hướng, theo bản đồ năm 1960 của TP Hà Nội, phần đất của đình Duệ Tú rất rộng. Nhưng do bị tàn phá bởi chiến tranh, trường học mượn đất để xây dựng phục vụ cho học sinh, sau này các cụ ở trong đình cũng không đòi phần đất đã cho mượn. Nhưng nay do diện tích đình quá chật, không có sân, NCT địa phương có nguyện vọng UBND TP Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy xem xét phần đất Trường Đại học Thủ Đô đang lưu không, không sử dụng có thể trả lại để làm sân đình phục vụ các hoạt động tín ngưỡng và tổ chức Lễ hội truyền thống của địa phương nhằm tri ân công đức của các bậc tiền nhân và giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ trẻ.