Cần bảo vệ suối đá đĩa triệu năm tuổi ở Gia Lai
Nhịp cầu bạn đọc 11/05/2022 09:48
Người dân làng Vân, thị trấn Ialy, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai vẫn gọi con suối độc đáo này là Jrai Phă hoặc Ia Ruai. Từ TP Pleiku, di chuyển khoảng 1 giờ về hướng thị trấn Ialy và hỏi người dân địa phương sẽ tới địa điểm suối Jrai Phă. Men theo 300m đường mòn ven con suối, hiện ra trước mắt bạn là bãi đá cổ với những khối đá hình lục giác, tròn vuông được tự nhiên sắp đặt khéo léo thành từng lớp kì vĩ rộng khoảng 200m, trải dài hơn 1km hai bên con suối. Nếu nhìn từ trên cao, bãi đá cổ như một tổ ong khổng lồ.
Loại đá ở đây chính là đá bazan đã hình thành cách đây hàng trăm triệu năm, được tạo nên nhờ quá trình hoạt động của núi lửa ở vùng cao nguyên. Có lẽ thời viễn cổ, khi những dòng nham thạch phun trào ra từ núi lửa khi gặp nước lạnh đã bị đông cứng lại, kết hợp với hiện tượng di ứng lực khiến những khối nham thạch này bị nứt thành nhiều chiều một cách tự nhiên tạo nên các phiến đá đẹp lạ lùng, bí ẩn như ngày nay. Điểm đặc sắc là có hàng trăm khối hình lục giác, hình tròn hay hình vuông, lớp này xếp nối lên lớp kia, liên tiếp và khít nhau như bàn tay của vị thần nào đó sắp đặt vậy. Bãi đá gồm nhiều đoạn lộ thiên, đặc biệt có hai khu vực rất đẹp, cách xa nhau chỉ độ vài ba chục mét.
Nhiều ngày trước, khu vực suối đá đĩa bị xâm hại. |
Ở nơi này, bên dòng suối, các thanh đá lớn hình lục lăng như đã được bàn tay thần kì nào đó sắp đặt theo chủ đích. Chúng đứng cạnh nhau, bằng phẳng và rắn chắc như một khối đông đặc, bất chấp thời gian. Hàng trăm cột đá có hình thù giống nhau, được xếp thành bãi tại đây.
Hiện khu vực suối đá đĩa Gia Lai đang trở thành một trong những điểm đến check-in hấp dẫn của nhiều người mê vẻ đẹp tự nhiên, tránh xa ồn ào của những điểm du lịch đông đúc. Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai đã đề nghị xếp hạng di tích địa điểm suối đá cổ Jrai Phă và lên kế hoạch bảo vệ, đồng thời khai thác tiềm năng du lịch hợp lí.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, suối đá đĩa ở thị trấn Ialy bị nhiều người ngang nhiên đổ đất, xâm lấn. Thông tin từ UBND thị trấn Ialy cho biết, nguyên nhân là do khu vực suối đá được quy hoạch phát triển du lịch nên nhiều người đến đây tìm mua đất rẫy với giá cao. Một hộ dân đã thuê người vào đào bới, lấn đất vào khu vực suối đá đĩa, mở rộng đất lấy “view đẹp”... với suy nghĩ được bồi thường giá cao khi Nhà nước quy hoạch.
Một khu đất cạnh đá cổ bị máy xúc của hộ dân múc lên đổ tràn ra sát bờ suối |
Theo ghi nhận nhiều ngày trước, khu vực suối đá cổ bị đất lấp, tiếp giáp với diện tích đất trồng cây cà phê của người dân. Một khu đất cạnh đá cổ bị máy xúc của hộ dân múc lên đổ tràn ra sát bờ suối. Nhiều diện tích đá cổ đã bị đất đá lấp hoàn toàn. Khu đá cổ bị xâm hại, khách tham quan không thể di chuyển tới đây do đất đá được chất cao.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Chư Păh tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực suối đá cổ.
Theo báo cáo của UBND thị trấn Ialy, diện tích đất ngay cạnh khu vực suối đá bị vùi lấp là của gia đình ông Rơ Châm Jip, ở làng Yăh, thị trấn Ialy và con rể là Rơ Châm Dên, ở làng Al, xã Ia Mơ nông. Chính quyền địa phương lập biên bản và yêu cầu dừng các hoạt động cải tạo đất và trả lại mặt bằng cảnh quan.
Ngày 9/5, trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hồng Trường, cán bộ thị trấn Ialy cho biết: “Công an thị trấn Ialy đã làm việc những có người liên quan. Quá trình làm việc, các hộ dân đã thừa nhận thực hiện việc cải tạo lấn chiếm làm thay đổi hiện trạng đất khu vực suối đá. Ngoài ra, Công an thị trấn đã phân công 2 công an viên làng Vân và làng Yăh thường xuyên nắm tình hình và chủ động bảo vệ không cho máy đào xuống khu vực suối đá đĩa để tránh xảy ra các vụ việc tương tự”.
Theo ông Vũ Hồng Trường, chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng chức năng và người dân xung quanh dọn dẹp đất đá, khắc phục tình trạng xâm hại danh thắng này. Đến ngày 9/5/2022, công việc khôi phục hiện trạng đã cơ bản được hoàn tất.