Các nước phương Tây ra tuyên bố chung về xung đột Hamas - Israel
Quốc tế 24/10/2023 13:52
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến về tình hình xung đột Hamas - Israel, lãnh đạo các nước đã hoan nghênh việc Phong trào Hồi giáo Hamas đã phóng thích 2 con tin người Mỹ, đồng thời kêu gọi lực lượng này ngay lập tức trả tự do cho tất cả con tin còn lại. Các nhà lãnh đạo cũng cam kết sẽ phối hợp với các đối tác trong khu vực để bảo đảm cho 2,2 triệu người ở Dải Gaza được tiếp cận bền vững và an toàn với thực phẩm, nước uống, chăm sóc y tế và các hỗ trợ khác cần thiết. Họ cũng khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động ngoại giao để ngăn chặn xung đột lan rộng, duy trì sự ổn định ở Trung Đông và nỗ lực hướng tới một giải pháp chính trị và hòa bình lâu dài.
Về vấn đề bảo hộ công dân, lãnh đạo các nước cũng cam kết phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ các công dân của nước mình trong khu vực, đặc biệt là những người muốn rời khỏi Gaza.
Người dân di chuyển qua những tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel tại Dải Gaza ngày 16/10/2023 |
Theo Nhà Trắng, cuộc họp có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Thủ tướng Anh Rishi Sunak.
Tuyên bố chung trên được đưa ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về nguy cơ xung đột Hamas - Israel lan rộng trong khu vực sau khi Israel đẩy mạnh các vụ tấn công tại Gaza và các cuộc đụng độ ở biên giới với Liban cũng leo thang. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant trước đó khẳng định, chiến dịch chống Hamas có thể kéo dài "nhiều tháng" với mục tiêu cuối cùng là sẽ "xóa sổ" Phong trào Hamas.
Trong diễn biến mới nhất, rạng sáng 23/10, Israel đã tiến hành không kích Gaza và miền Nam Liban. Truyền thông Palestine đưa tin các cuộc tấn công của Israel chủ yếu nhằm vào trung tâm và phía Bắc Dải Gaza. Trong khi đó, Quân đội Israel cho biết các máy bay của nước này đã không kích 2 căn cứ của lực lượng Hezbollah ở Liban khi phong trào này chuẩn bị phóng tên lửa chống tăng và rocket hướng về Israel. Ngoài ra, Israel còn tấn công nhiều mục tiêu khác của phong trào này.
Lo ngại xung đột giữa Israel - Hamas có thể lan rộng ra khắp Trung Đông gia tăng vào cuối tuần qua khi Mỹ cảnh báo về nguy cơ đối với lợi ích của nước này trong khu vực. Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 21/10 cho biết, nước này sẽ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và bổ sung các tiểu đoàn tên lửa phòng không Patriot tới Trung Đông để đáp trả các cuộc tấn công gần đây nhằm vào quân đội Mỹ ở khu vực này. Trước đó, Lầu Năm Góc đã triển khai lực lượng hải quân tới Trung Đông, bao gồm khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ cùng hai tàu sân bay và các tàu hỗ trợ.
Hiện cộng đồng quốc tế đang đặc biệt lo ngại sự an toàn của người dân tại khu vực xảy ra xung đột cũng như công tác viện trợ nhân đạo tại đây. Một số cơ quan của Liên Hợp Quốc ngày 21/10 cho rằng, tình hình nhân đạo ở Dải Gaza là “thảm khốc”, đồng thời kêu gọi sự trợ giúp nhiều hơn nữa của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tình hình ngày càng xấu đi…
Cơ hội chính trị và thách thức an ninh khi Tổng thống Biden thăm Israel |
Hezbollah có thể tác động ra sao đến cuộc chiến Israel - Hamas? |