Các món ăn bài thuốc cổ truyền chữa bong gân cho người cao tuổi
Sống khỏe 02/10/2022 09:38
Triệu chứng và phân loại bong gân
ThS. BS Trương Hoàng Huy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, bong gân là tình trạng dây chằng (cấu trúc nối giữa 2 hoặc nhiều xương quanh 1 khớp) bị căng giãn quá mức hoặc bị rách, bị đứt gây đau, giảm hoặc mất vận động khớp.
Tình trạng bong gân nhẹ thường dễ gây nhầm lẫn với chứng căng cơ bởi chúng đều mô tả tình trạng căng quá mức hoặc rách các mô mềm trong và xung quanh khớp của con người. Tuy nhiên trong y học, cần phân biệt rõ 2 chấn thương trên để có phương pháp điều trị đúng cho bệnh nhân.
Các triệu chứng của bong gân và căng cơ có nhiều nét tương đồng. Đó là bởi vì bản chất hai tổn thương rất giống nhau. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hai tổn thương này thường bị nhầm lẫn. Các triệu chứng chung của hai tổn thương là đều gây đau, có thể sưng tại vùng cơ, khớp bị tổn thương, làm giảm cường độ vận động và không thể thực hiện được hết các động tác của khớp. Sự khác biệt chính là khi bị bong gân, bạn có thể bị bầm tím xung quanh khớp bị ảnh hưởng, trong khi bị căng cơ, bạn có thể bị co thắt ở cơ bị ảnh hưởng.
Chấn thương bong gân là một trong những chấn thương phổ biến nhất, thường gặp tại nhiều đối tượng, trong đó bao gồm người cao tuổi. Chấn thương này có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể nhưng thường thấy nhất ở chi dưới và chi trên, chẳng hạn như mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay hoặc cổ tay. Song vị trí bong gân thường gặp nhất là khớp cổ chân.
Bong gân chia thành 3 loại: Bong gân độ I là tình trạng đau và sưng mức độ nhẹ tại khớp, không mất vững khớp, bệnh nhân vẫn có thể vận động khớp nhẹ nhàng. Đối với bong gân độ II, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau và sưng mức độ vừa, bầm tím tại chỗ, đau nhiều và có thể mất vững nếu vận động khớp. Cuối cùng là bong gân độ III nặng nhất có thể gây đau và sưng mức độ nặng, bầm tím lan rộng, khớp mất vững, dây chằng bị rách hoặc đứt hoàn toàn.
Bong gân là chấn thương thường gặp, đặc biệt là ở người cao tuổi. |
Các bác sĩ thường chẩn đoán bong gân bằng cách loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng đau của bạn như gãy xương, trật khớp, u bướu... bằng cách chụp X-quang. Nếu việc chụp X-quang không kết luận được, bác sĩ có thể yêu cầu chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI). Phương pháp chụp MRI có thể cho thấy những vết đứt tại dây chằng rất nhỏ hoặc mảnh mà X-quang không thể xác định được.
Các món ăn bài thuốc chữa bong gân
Đối với những người bị bong gân mức độ nhẹ và vừa, có thể sử dụng các phương pháp đắp thuốc ngoài da để hoạt huyết và giảm sưng. Điển hình như dùng lá náng để đắp ngoài da. Theo Đông y, lá náng có vị cay, tính mát và có công dụng thông huyết tán ứ, đồng thời giúp giảm sưng đau xương khớp, bong gân, ổ khớp. Trong các vị thuốc chữa bong gân thì lá náng là vị thuốc khá quen thuộc vì khá dễ tìm và mang lại hiệu quả tốt. Không chỉ chữa bong gân, lá náng còn có tác dụng trong việc chữa đau lưng và một số loại bệnh khác rất hiệu quả.
Cách chữa bong gân cổ chân bằng lá náng đơn giản và phổ biến nhất là lấy lá náng hơ nóng và bóp vào chỗ bong gân. Ngoài ra, có thể sử dụng một số bài thuốc như sau:
Thứ nhất, lấy lá náng tươi rửa sạch và giã nhỏ. Sau đó cho thêm ít rượu vào và đem nướng cho nóng lên. Đắp hỗn hợp này vào chỗ khớp cổ chân bị bong gân rồi băng lại. Thay lá thuốc nhiều lần trong ngày và dùng bài thuốc này cho tới khi khỏi hẳn. Thứ hai, kết hợp 30g lá náng, 30g cây mua thấp và 20g cây dạ cẩm, tất cả đều là nguyên liệu tươi. Rửa sạch sau đó giã nát và đắp vào khớp cổ chân bị tổn thương rồi băng lại. Duy trì thực hiện liên tục đến khi chấn thương khỏi hẳn.
Lá náng có công dụng hỗ trợ trị bong gân. |
Thứ ba, dùng hỗn hợp nguyên liệu tươi sau: Lá náng 30g, lá dây đòn gánh 10g và lá bạc thau 8g. Giã nát hỗn hợp trên và cho thêm ít rượu. Đắp và băng lại tại vị trí bị thương, mỗi ngày dùng một lần. Thứ tư, nướng lá náng già với than (lưu ý không được nướng trên lửa) cho đến khi lá nóng rồi đắp muối và lá lên chỗ bị đau rồi nhấn mạnh. Đến khi lá nguội thì hơ nóng lại và tiếp tục thực hiện. Làm liên tục khoảng 20-30 phút mỗi ngày và duy trì khoảng 3-4 ngày sẽ khỏi.
Bệnh nhân có thể kết hợp dùng một số bài thuốc uống để thông tán huyết ứ, hoạt huyết tiêu sưng như: Đầu tiên, dùng nghệ vàng 2 củ, thái mỏng sao rượu, cỏ xước 12g thái mỏng sao rượu, vỏ cây gạo 16g bỏ vỏ ngoài, thái mỏng sao rượu, cây lá lốt 16g sao vàng. Tất cả cho vào nồi, đổ nước 3 bát sắc còn 1 bát chia 2 lần uống trong ngày. Hoặc, lấy 50g tua rễ si (không có tua thì dùng cành si 60g, chặt từng khúc 3cm, sao vàng), sắc đặc lấy 1 bát, pha thêm tí rượu trắng, cho bệnh nhân uống trong ngày.
Trong thời gian điều trị, cần kết hợp xoa bóp và ăn các món cháo, canh thuốc để thúc đẩy lưu thông tuần hoàn máu như:
Bài 1, cháo thịt cua. Nguyên liệu: Cua 2 con, gạo 50g. Trước hết, lấy thịt cua và gạch cua để sẵn. Gạo vo sạch đổ vào nồi, thêm nước nấu cháo, cháo chín cho thịt cua, gạch cua cùng với gừng sống, dấm, xì dầu đun sôi lên rồi ăn nóng với cơm.
Gà ác hầm tam thất có tác dụng cứng gân nối xương, hoạt huyết tiêu sưng cho bệnh nhân bị bong gân. |
Bài 2, canh xương sống lợn, đan sâm. Nguyên liệu: 500g xương sống lợn, 250g đậu tương, 50g đan sâm tím. Đan sâm rửa sạch bỏ tạp chất cho vào nồi, đổ nước vừa đủ luộc đan sâm trong 1 giờ, dùng nước này để nấu xương lợn, đậu tương tới chín nhừ, cho một ít quế bì, gia vị, thấy nước sôi thì tắt bếp, chia 2 - 3 lần dùng trong ngày.
Bài 3, canh gà ác hầm tam thất có tác dụng cứng gân nối xương, giảm sưng đau nhức. Nguyên liệu: Gà trống xương đen 1 con 500g, tam thất 5g, hoàng tinh, muối vừa đủ. Làm sạch gà mổ bỏ lòng ruột, rửa tam thất cho vào nồi, cho rượu muối rồi ninh nhừ. Món này dùng nóng ăn kèm trong bữa cơm.