Biểu tình bạo loạn ở Pháp: Châu Âu “đứng ngồi không yên”
Quốc tế 10/12/2018 10:37
Nhìn về quá khứ, người Pháp dường như có truyền thống thể hiện sự bất mãn của họ một cách công khai, ồn ào. Có thể kể đến cuộc nổi dậy của sinh viên Pháp cách đây 50 năm tại Paris, hay trước đó là cuộc cách mạng năm 1789. Đó dường như đã không phải là điều gì quá gây bất ngờ. Vậy tại sao người ta lại nhìn nhận làn sóng biểu tình bạo loạn phản đối chính sách thuế, chống Chính phủ hiện nay ở Pháp với ánh mắt khác?
Cảnh sát Pháp bắt giữ một người biểu tình quá khích. Ảnh: Reuters. |
Pháp bạo loạn, báo động cả châu Âu
Có nhiều lý do để quan ngại vì hiện tượng này dường như không chỉ giới hạn ở Pháp. Phong trào “Áo vàng” đại diện cho phần lớn dân chúng, chủ yếu là những người lao động và tầng lớp trung lưu. Thậm chí lực lượng này còn được cho là không chỉ gói gọn trong lãnh thổ Pháp mà đại diện cho cả những người cùng cảnh ngộ ở châu Âu – bộ phận người dân luôn cảm thấy bị giới chính trị và hệ thống kinh tế phản bội, bỏ qua nhu cầu chính đáng của họ. Điều này đặt ra hồi chuông báo động rõ ràng cho tất cả các nền dân chủ ở châu Âu hiện nay.
Thực tế cho thấy, những nhà lãnh đạo cánh hữu trên khắp châu Âu nhân cơ hội này ngay lập tức thể hiện sự ủng hộ với những người biểu tình và tăng cường chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Từ những nhân vật bảo thủ ủng hộ Brexit ở Anh cho đến Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini đều tỏ ra hào hứng trước sự hỗn loạn ở Pháp. Điều trớ trêu ở đây là ông Macron - người được kỳ vọng sẽ lãnh đạo châu Âu chống lại chủ nghĩa dân tộc lại đang là trung tâm của những cuộc biểu tình phản đối gay gắt nhất ở châu lục này.
Không khó để thấy rằng những gì các nhóm cực hữu muốn là một chiến thắng chính trị trên toàn bộ châu lục trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào tháng 5/2019. Vì vậy, những điều diễn ra tại Pháp không phải là tin tốt cho sự ổn định của Liên minh Châu Âu (EU) và tầm ảnh hưởng của sự kiện này có thể vượt xa biên giới của một quốc gia.
Phong trào “Áo vàng” đại diện cho nỗi bất an, sự sợ hãi và xa lánh – những yếu tố vốn đã làm nên “cú sốc” mang tên Brexit; việc thành lập một chính phủ dân túy, cực hữu ở Italy; làm suy yếu nghiêm trọng vị thế của Thủ tướng Đức Angela Merkel – lãnh đạo ôn hòa hàng đầu ở châu Âu; và khuyến khích tâm lý bài ngoại ở Ba Lan, Hungary, Áo.
Như ông Christophe Guilluy, tác giả của cuốn Hoàng hôn nước Pháp từ trên cao (2016) từng lập luận, những cuộc biểu tình phản đối chính phủ có “tâm chấn” không phải ở “những thủ đô mang tính toàn cầu” như Paris, London hay Berlin mà chủ yếu ở các khu vực ngoại vi ở châu Âu, những khu vực không bị công nghiệp hóa, các thị trấn nhỏ và vừa, khu vực nông thôn.
Những người biểu tình Áo vàng tập trung gần Khải Hoàn Môn ngày 8/12. |
Câu chuyện chung ở đây là vào thời điểm tài sản của quốc gia nhìn chung tăng lên thì việc làm dành cho người lao động lại giảm sút, an ninh kinh tế không được đảm bảo, đói nghèo gia tăng, chất lượng dịch vụ đi xuống, cơ hội bị thu hẹp còn thuế khóa thì nặng nề. Kết quả là gì? Sự giận dữ trong im lặng tích tụ lâu ngày chỉ đợi “mồi lửa” để bùng cháy như đã thấy ở Pháp vừa qua. Với việc khoác lên mình chiếc áo màu vàng, những người biểu tình như muốn để họ được chú ý một lần nữa.
Bài toán mâu thuẫn khó có lời giải
Đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng như với nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác, để tìm ra đáp án cho bài toán mâu thuẫn trong xã hội hiện nay không phải là điều dễ dàng. Mục tiêu của những người biểu tình đó là: thuế thấp hơn, tiền lương cao hơn, năng lượng rẻ hơn, lương hưu tốt hơn, tạm dừng kế hoạch cải cách giáo dục gây phiền toái và ở một mức độ nào đó là có một Tổng thống mới.
Phong trào “Áo vàng” hiện nay không có người lãnh đạo để đứng ra đàm phán với Chính phủ. Phong trào này tồn tại và được tổ chức phần lớn dựa trên nền tảng của truyền thông xã hội. Vì thế, như một điều hiển nhiên, bạo lực ở Paris nhanh chóng bị lợi dụng, trong đó có cả những phần tử cực hữu luôn âm mưu lật đổ một chính phủ hợp Hiến do dân bầu.
Tổng thống Macron đã phạm phải sai lầm và giờ ông đang cố gắng để khắc phục giải quyết hậu quả. Việc cải thiện giao tiếp giữa lãnh đạo và người dân là cần thiết và ông Macron sẽ đưa ra thông điệp quốc gia trong tuần này. Tuy nhiên, vẫn có những thứ khó có thể khắc phục được.
Macron đã thất bại trong việc đưa ra một cuộc cách mạng phá vỡ những khuôn mẫu như lời ông đã hứa. Còn nhớ, một trong những bước đi đầu tiên trên cương vị Tổng thống của ông Macron là bãi bỏ thuế tài sản, hay còn được biết đến với tên gọi 'thuế nhà giàu', nhằm vào những người có thu nhập cao. Chẳng thế mà ông bị gán cho cái mác “Tổng thống của người giàu”. Một số nhà quan sát cho rằng, Macron dường như đã phung phí thiện cảm của tầng lớp trung lưu và người lao động vốn là nguồn ủng hộ lớn để ông ngồi vào chiếc ghế hiện nay.
Các cuộc thăm dò cho thấy, làn sóng biểu tình ở Pháp cuối tuần qua có thể đã đạt đến đỉnh điểm về số lượng người tham gia. Sự ủng hộ công khai dành cho những người biểu tình đã giảm, dù vẫn ở mức cao 66%. Đa số không tán thành bạo lực.
Đây có thể là những tín hiệu tốt lành với chính quyền của Tổng thống Macron. Điều đặt ra hiện nay là ông Macron phải giữ vững sự tỉnh táo, nghiêm túc tiếp thu bài học sau các sự kiện gần đây. Pháp cần lắng nghe nhiều hơn thay vì chỉ biết xung phong dẫn đầu. Và chắc chắn, Tổng thống Macron cần phải có sự nhượng bộ chứ không đơn giản chỉ đưa ra các biện pháp tạm thời để “chữa cháy” như vừa qua./.
VOV.VN