An sinh cho người dân và doanh nghiệp là duy trì “mục tiêu kép”
Đời sống 04/08/2021 15:59
Chấp nhận sống chung với dịch
Dữ liệu thống kê cho thấy, cả nước có 39.400 DN giải thể, trên 40.000 DN tạm ngưng hoạt động. Riêng TP Hồ Chí Minh có trên 2.800 DN đã giải thể và 11.500 DN ngưng hoạt động. Với số liệu như vậy, tình hình dịch bệnh, sức khỏe của người dân (đặc biệt là NCT sống trong các hộ gia đình có người lao động tại DN) tác động mạnh đến tình hình hoạt động của DN.
Về ứng phó với dịch, chính quyền Thành phố và các tỉnh phía Nam dùng giải pháp là giãn cách, cách li, phong toả. Đây là những giải pháp bắt buộc nhưng chỉ là tạm thời khi chưa đạt miễn dịch cộng đồng. Nhưng nếu sử dụng lâu dài sẽ dẫn đến sang chấn tâm lí cho chủ DN và người lao động, cũng như đông đảo người dân.
Thực tế cho thấy, những DN đang duy trì sản xuất trong điều kiện an toàn phòng dịch như “3 tại chỗ”, “2 địa điểm - 1 cung đường”… vẫn bị ảnh hưởng tâm lí và nhiều vấn đề khác, dẫn đến hiệu quả năng suất lao động hiện rất thấp. Vì vậy, đi liền với giải pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan là những vấn đề an sinh xã hội, giải cứu DN.
Hiện tại, các Hiệp hội DN, ngành hàng sớm tổng hợp ngay ý kiến các DN vì Chính phủ đang chuẩn bị triển khai Nghị quyết 30 của Quốc hội có liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ DN.
Về các giải pháp hỗ trợ DN, cần chia làm ba nhóm để có các giải pháp phù hợp. Thứ nhất là những DN đã đóng cửa. Thứ hai là DN đang tạm ngừng hoạt động và thứ ba là những DN đang hoạt động. Với mỗi nhóm khác nhau, phải có giải pháp khác nhau. Với các DN đang hoạt động thì mục tiêu là phải cứu đến cùng. Bởi lẻ, các DN này đang chấp nhận hoạt động trong điều kiện chịu lỗ, chấp nhận hi sinh để duy trì hoạt động thì phải có gói giải pháp riêng. Các DN này đứng vững thì sẽ hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất, có điều kiện ổn định kinh tế và hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội. Đây là điều mà các chủ DN và người lao động mong mỏi, bởi đằng sau họ là gia đình, người thân, trong đó có không ít trẻ em và người cao tuổi là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất.
Chấp nhận sống chung với dịch, linh hoạt xoay chuyển để thích nghi với tình hình mới trước khi chờ nhận được hỗ trợ của Nhà nước là cách hầu hết DN đang thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Với nhiều DN, trạng thái bình thường mới nghĩa là tư duy mới, chấp nhận thực tại mới để thích nghi lâu dài, không còn hoảng hốt như những lần trước, dù với nhiều biến chủng, Covid-19 có thể quay lại bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu.
Đai diện GS Energy và VCF trao tặng thiết bị y tế |
Vai trò của người cao tuổi
Trong thời gian giãn cách xã hội, NCT đã động viên con em mình yên tâm thực hiện “3 tại chỗ” tại DN để bảo đảm có việc làm, thu nhập, hạn chế đến mức thấp nhất lẫy nhiễm Covid-19. Về phần mình, NCT cố gắng giữ gìn sức khoẻ, tập trung chăm sóc các cháu thay cho bố mẹ chúng đang công tác tại DN, họ tận dụng mọi cơ hội để có thêm thu nhập cải thiện đời sông gia đình như: tăng gia sản xuất, làm các dịch vụ tại địa phương. Ngoài ra, để chóng dịch bệnh lây lan, NCT đã thu xếp công việc gia đình tham gia trong thành phần của Tổ chốt tại các nghõ xóm, tham gia vào tổ Covid cộng đồng làm nhiệm vụ chung như: đến các gia đình tuyên truyền phòng, chống dịch, tìm hiểu các gia đình khó khăn do neo người để đề xuất giải pháp hỗ trợ, giúp đi chợ hộ cho các gia đình bị phong toả. Nhiều người NCT tham gia tổ chức thiện nguyện kêu gọi quyên góp lương thực thực phẩm và tổ chức nấu cơm miễn phí cho bà con gặp khó khăn trong khu vực cách ly.
Một số NCT là giáo cức, y bác sĩ tham gia các hoạt động như bảo ban các cháu học tập, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, đặc biệt là NCT ốm yếu, có nhiều bệnh nền. Nhìn chung, các công tác xã hội luôn có NCT tham gia nhiệt tình, tích cực, có hiệu quả và trách nhiệm cao.
Tăng cường hỗ trợ thiết bị y tế
Với mong muốn chung tay cùng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường, nhiều DN đã đóng góp nhiều sản phẩm, hàng hóa, thiết bị y tế cần thiết để cùng Thành phố và các tỉnh thành phía Nam chung tay phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, Công ty Nestlé Việt Nam hỗ trợ gần 450.000 sản phẩm thực phẩm thiết yếu trị giá gần 8 tỉ đồng tới nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi, bệnh nhân nghèo, người dân sống trong khu vực bị phong tỏa và tại các trung tâm cách li. Cho đến nay, Nestlé tại Việt Nam đã hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch của Chính phủ, bao gồm hỗ trợ tuyến đầu, cộng đồng, các đối tác kinh doanh nhỏ lẻ bị ảnh hưởng các sản phẩm dinh dưỡng, tiền mặt và khẩu trang y tế, với tổng trị giá hơn 50 tỉ đồng.
Chung tay cùng Chính phủ và cộng đồng trong việc phòng chống dịch Covid-19, Lazada cũng đóng góp kinh phí trang bị 30.000 kit xét nghiệm Covid-19 với tổng giá trị 3 tỉ đồng tới Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh.
Tập đoàn VinaCapital và Công ty GS Energy, thông qua chương trình “Help Vietnam Breathe - Vì Nhịp thở Việt Nam” của tổ chức VinaCapital Foundation (VCF) trao tặng 12 máy thở và đồ bảo hộ y tế dùng trong một tháng có giá trị gần 4 tỉ đồng cho tỉnh Long An, nhằm hỗ trợ tỉnh này vượt qua đợt dịch bùng phát diện rộng hiện nay.
Với tổng giá trị hỗ trợ 160.000 USD, trong đó GS Energy đóng góp 100.000 USD và tập đoàn VinaCapital hỗ trợ 60.000 USD, khoản tiền này sẽ được dùng thông qua chương trình “Help Vietnam Breathe - Vì Nhịp thở Việt Nam” của VCF để mua 12 máy thở và đồ bảo hộ y tế dành cho lực lượng chống dịch tuyến đầu sử dụng trong 1 tháng tới. Việc phân bổ các thiết bị này hoàn toàn do Sở Y tế tỉnh Long An chủ động đưa tới những nơi cần kíp nhất.
Được biết, “Help Vietnam Breathe - Vì Nhịp thở Việt Nam” là chương trình do VCF triển khai nhằm gây quỹ hỗ trợ máy thở cho các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19 và trang phục bảo hộ cho hàng nghìn nhân viên y tế tuyến đầu. VCF nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành địa phương trong việc phân bổ các thiết bị y tế đến đúng nơi đang cần thiết nhất. Đặc biệt chăm sóc và điều trị bệnh cho NCT và các người có nhiều bệnh nền, người có hoàn cảnh khó khăn.