Xã hội học tập
Giáo dục 08/11/2018 10:28
Cụ Linh hằng ngày đạp xe 4km từ nhà đến trường, đã học xong 4 môn “Luật Đất đai”, “Luật Hôn nhân gia đình”, “Luật Quốc tế” và “Kinh tế vĩ mô”. Cụ nói: “Nhiều người bảo tôi tuổi cao học làm gì nữa. Nhưng tôi coi trường đại học là thánh đường khoa học và rất mê bầu không khí ngập tràn kiến thức ở đó". Cụ khoe: “Năm thứ nhất, tôi đạt 7 điểm trung bình. Các thầy cô ghi nhận tôi làm bài tốt, vượt qua một số sinh viên trẻ. Tôi vui mừng học tập hướng tới năm 2021 để nhận tấm bằng tốt nghiệp”. Cụ Thiệt thì sống nội trú tại trường, hằng ngày lên lớp đúng giờ, hăng hái phát biểu, trau dồi kiến thức, gần gũi trò chuyện với lớp trẻ và lớp trẻ rất hào hứng được học cùng cụ.
Cụ Lê Phước Thiệt với niềm vui được theo học cao học
Ban Giám hiệu Trường Đại học Đông Đô quyết định miễn học phí cho cụ Linh. Cụ bảo đây là tấm lòng vàng. Còn Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ kể: “Sau khi tìm hiểu lịch sử nhà trường, cụ Thiệt gặp tôi và cho biết mới từ Mỹ về nước định cư, nên muốn làm việc gì đó để đóng góp cho xã hội. Tôi thưa: “Cụ nên đi học để làm gương cho con cháu, bởi đất nước mình phải học mới đi lên được”. Thế là cụ nạp đơn xin học. Sau khi xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà trường chấp nhận và không nhận ở cụ mọi khoản đóng góp, cho dù biết cụ không thiếu tiền”.
Tôi đem chuyện này thông báo với các cụ trong khu dân cư. Cụ nào cũng lấy làm lạ. Tôi kể bên Nhật, Pháp, Mỹ đều có trường đại học miễn phí cho người cao tuổi và dẫn lời thánh hiền: "Việc học không bao giờ là muộn”. Một cụ tiếp lời bằng câu thơ của Nguyễn Trãi: “Nên thợ, nên thầy vì có học/ No cơm, no áo bởi hay làm”. Cụ nữa nhắc tới lá thư Bác Hồ gửi phụ lão tháng 6/1941: “Đối với gia đình, Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, Nhân dân ứng. Phụ lão làm, Nhân dân theo”. Năm 1946, khi trả lời phỏng vấn của nhà báo nước ngoài, Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"...
Nghe xong, một cụ bổ sung: “Tấm gương hiếu học của hai cụ Cao Nhật Linh và Lê Phước Thiệt ở lứa tuổi 83 - 85 là biểu thị tinh thần “xã hội học tập”, nhưng chúng ta cũng thấy lớp trẻ đang dẫn đầu “xã hội học tập” bằng những đỉnh cao. Ví như năm nay các đội tuyển học sinh phổ thông nước ta dự thi Olympic Quốc tế giành được nhiều Huy chương vàng nhất. Trong đó có hai cháu được Chủ tịch nước thưởng Huân chương Lao động là Nguyễn Phương Thảo và Phạm Đức Anh (Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) đoạt Huy chương vàng môn Sinh học và môn Hóa học. Phương Thảo đứng đầu 261 thí sinh dự thi, Đức Anh 2 năm liền đoạt Huy chương vàng.
Dương Quang Minh