Virus corona: Thế giới đang đứng trước một đại dịch nan giải
Sức khỏe 07/02/2020 08:30
Số ca nhiễm tăng nhanh ở mức báo động khiến các nhà nghiên cứu lo sợ virus có thể đang lan ra trên toàn cầu. Nhưng chúng ta chưa dự đoán được mức độ nghiêm trọng của dịch…
Virus corona Vũ Hán đang lây lan từ Trung Quốc có khả năng trở thành đại dịch trên toàn cầu, theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu thế giới, với những gì được xác nhận chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.
Viễn cảnh thật nan giải. Một đại dịch - dịch bệnh cùng lúc xảy ra ở hai hoặc nhiều lục địa - có thể gây ra những hệ lụy toàn cầu, bất chấp việc hạn chế đi lại và kiểm dịch chưa từng thấy đang được thực hiện ở Trung Quốc và các quốc gia khác.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đến nay vẫn chưa nắm rõ liệu chủng virus corona mới gây chết người đến mức nào, do đó, không chắc chắn về mức độ thiệt hại mà một đại dịch có thể gây ra. Song càng ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu đồng ý rằng mầm bệnh dễ lây truyền giữa người với người.
Không giống SARS và MERS
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng virus corona chủng mới này đang phát tán giống cúm, có khả năng lây truyền cao, hơn là giống các chủng virus di chuyển chậm trong cùng họ như SARS (hội chứng hô hấp cấp) và MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông).
“Nó rất, rất dễ lây truyền và gần như chắc chắn sẽ trở thành một đại dịch”, tiến sĩ Anthony S. Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, đánh giá.
Trong 3 tuần qua, số trường hợp được xác nhận dương tính với chủng virus mới đã tăng vọt từ khoảng 50 ca ở Trung Quốc lên đến hơn hơn 20.600 ca tại ít nhất 27 quốc gia và vũng lãnh thổ; và đã có gần 500 người chết. Mặc dù sự lây lan không nhanh như cúm hay sởi, nhưng đó cũng là một bước nhảy vọt vượt xa những gì các nhà virus học đã thấy khi SARS và MERS xuất hiện.
Những ẩn số quan trọng
Không thể đưa ra ước tính chính xác về mức độ gây tử vong của virus cho đến khi có thể thực hiện một số nghiên cứu nhất định: Xét nghiệm máu để xem có bao nhiêu người có kháng thể, nghiên cứu trong gia đình để tìm hiểu nó lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình thường xuyên như thế nào và giải mã trình tự di truyền để xác định xem liệu một số chủng có nguy hiểm hơn những chủng khác.
Đóng cửa biên giới để ngăn chặn mầm bệnh có tính lây nhiễm cao không bao giờ thành công hoàn toàn, vì mọi đường biên giới về cơ bản đều có lỗ hổng. Tuy nhiên, việc đóng cửa và kiểm tra nghiêm ngặt có thể làm chậm sự lây lan, giúp các nhà nghiên cứu có thời gian để phát triển các phương pháp điều trị.
Những ẩn số quan trọng khác bao gồm việc ai có nguy cơ cao nhất, liệu việc ho hay bề mặt ô nhiễm có khả năng làm lan truyền virus cao hơn, virus có thể biến đổi nhanh như thế nào và liệu nó có biến mất khi thời tiết ấm lên.
Tiến sĩ Michael Ryan, người đứng đầu bộ phận phản ứng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với STAT News hôm 1/2 rằng, có bằng chứng cho thấy virus này vẫn có thể được ngăn chặn và thế giới cần phải “tiếp tục cố gắng”.
Cuộc sống ở Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn trong hai tuần qua. Đường phố vắng tanh, các sự kiện công cộng bị hủy bỏ và công dân đang đeo khẩu trang và rửa tay. Tất cả điều đó có thể đã làm chậm lại những gì mà kết quả xét nghiệm cho thấy là sự tăng trưởng theo cấp số nhân về số ca nhiễm. (Còn nữa)