Vinh danh những "di sản sống"
Giáo dục 05/07/2018 15:18
Xác định được tầm quan trọng ấy, những năm qua, Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương quan tâm đến các nghệ nhân. Qua đó đã thành lập câu lạc bộ (CLB), mời các nghệ nhân tham gia, truyền dạy bí quyết, kỹ năng hành nghề cho các thành viên. Điển hình như CLB hát then - đàn tính của huyện Bình Liêu; CLB hát nhà tơ – hát, múa cửa đình thị trấn Đầm Hà, xã Đại Bình (huyện Đầm Hà), xã Vạn Ninh, Quảng Nghĩa (TP Móng Cái); CLB hát đối cổ phường Ninh Dương (TP Móng Cái)... Cùng với đó, đưa nghệ thuật hát then - đàn tính thành môn học trong các nhà trường; bố trí nghệ nhân tham gia trình diễn nghệ thuật truyền thống trong các dịp lễ của tỉnh, địa phương, như: Carnaval Hạ Long, khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh, Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc...
2 nghệ nhân Nguyễn Thị Từ và Hoàng Thị Thảo truyền dạy hát nhà tơ cho các thành viên CLB hát nhà tơ xã Vạn Ninh, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. |
Đặc biệt, thông qua việc chỉ đạo lập hồ sơ, đề nghị vinh danh, phong tặng các danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân dân gian Việt Nam” là những việc làm thiết thực, ghi nhận sự nỗ lực, cống hiến to lớn của các nghệ nhân đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Nếu như trước năm 2009, Quảng Ninh chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng nhiều lễ hội truyền thống mà chưa quan tâm đến việc lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu các nghệ nhân thì đến nay, công việc đó đã liên tục được quan tâm. Từ không có nghệ nhân (năm 2009), đến nay con số đã tăng lên 59 nghệ nhân, trong đó riêng năm 2017 đã lập hồ sơ, công nhận danh hiệu cho 10 nghệ nhân.
Cụ thể, trong năm 2014, triển khai Nghị định số 62 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các địa phương, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh lập được 24 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Năm 2017, lập 7 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, 32 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Quá trình này, các nghệ nhân được lựa chọn, lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, các tổ chức trên địa bàn nghệ nhân đang sinh sống, làm việc. Cùng với việc có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, nghệ nhân xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cần có ít nhất 15 năm hoạt động và có nhiều cống hiến. Người được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” là người có năng lực đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước, có thâm niên hoạt động ít nhất 20 năm, đã được công nhận là “Nghệ nhân ưu tú”...
Đối với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nếu như trước đây các hồ sơ được lập chủ yếu là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian (hát then, hát đúm, hát đối cổ, hát nhà tơ - hát, múa cửa đình...) thì nay có sự xuất hiện của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể mới, như: Tri thức dân gian (kỹ năng chế tác các sản phẩm từ than đá, têm trầu cánh phượng...); lễ hội truyền thống... Thông qua sự phát triển số lượng nghệ nhân cũng như số lượng loại hình di sản văn hóa phi vật thể có thể dễ dàng nhận thấy sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó nghệ nhân là những “báu vật nhân văn sống”.
Còn nhớ, có mặt trong buổi lễ trao tặng, tôn vinh các danh hiệu vinh dự nhà nước đối với nghệ sĩ, nghệ nhân tỉnh Quảng Ninh vào tháng 2/2016, Nghệ nhân ưu tú Đặng Thị Tự (huyện Đầm Hà) chia sẻ: “Có được vinh dự như hôm nay, tôi mừng lắm, cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm tạo điều kiện để tôi có thể trình diễn, truyền dạy các làn điệu hát nhà tơ - hát, múa cửa đình. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục truyền dạy cho con cháu để các câu hát nhà tơ không bị mất đi nữa...”. Và quả đúng như thế, khi trở về địa phương, cụ Tự lại tiếp tục truyền dạy cho gần 20 người ở xã Đại Bình thuần thục các bài hát nhà tơ, múa cửa đình để biểu diễn trong dịp Lễ hội đình Tràng Y. Cho đến nay, trải qua 3 kỳ tổ chức, các làn điệu hát nhà tơ - hát, múa cửa đình do cụ Tự truyền dạy vẫn là một trong những nội dung được nhân dân và du khách quan tâm khi đến với lễ hội.
Báo Quảng Ninh online