Vì sao vấn nạn dùng “bằng giả” vẫn có “đất” sống?
Giáo dục 28/09/2021 11:31
Có thể thấy, khi xã hội tồn tại và đặt nặng tiêu chí về bằng cấp, danh hiệu thì sẽ có không ít người dùng mọi cách "chạy" để có được hư danh, học hành gian lận để có bằng cấp. Việc người học hành đến nơi đến chốn, phải trải qua thi cử nghiêm túc, vốn tri thức phải được rèn luyện, bồi đắp theo thời gian. Thế nhưng, học giả, bằng thật, năng lực kém, thiếu kỹ năng chuyên môn dẫn đến rất nhiều hệ lụy, tổn hại, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và công chức...Qua đó, nếu không có bằng cấp, chuyên môn mà thăm khám, cấp phát thuốc, chữa bệnh sẽ nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng con người, các giáo viên không có bằng cấp thì đứng lớp sẽ ra sao. Để những cán bộ thiếu trình độ như thế tồn tại trong bộ máy nhà nước là điều không thể chấp nhận được.
Cụ thể, ngày 26/9/2021, Phòng An ninh chính trị Nội bộ (Công an tỉnh Đắk Lắk) đã tiến hành rà soát. Theo đó, phát hiện 20 trường hợp giáo viên, cán bộ công tác trên địa bàn huyện Cư Kuin sử dụng bằng THPT giả và bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học không hợp lệ. Làm việc với lực lượng chức năng những trường hợp này đều thừa nhận đã mua bằng THPT giả để tiếp tục đi học rồi sau đó xin việc làm…
Ảnh minh họa |
Đành rằng, những người này làm trong môi trường giáo dục nhưng đã có hành vi gian dối, ảnh hưởng đến đạo đức của ngành, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan, tổ chức nhà nước, gây mất công bằng trong cán bộ, công chức, viên chức và ảnh hưởng lớn đến chất lượng của công việc.
Chia sẻ về điều này, đại tá Nguyễn Hữu Lương, Trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ (Công an tỉnh Đắk Lắk) cho biết, cơ quan công an sẽ tiếp tục rà soát và đặc biệt sẽ làm rõ các đường dây làm, bán bằng giả.
Có thể khẳng định rằng, với việc sử dụng bằng giả, bằng không hợp lệ đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan, tổ chức Nhà nước; gây bất công bằng trong cán bộ, công chức, viên chức và ảnh hưởng lớn đến chất lượng của công việc.
Tương tự, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk khẳng định, trong thời gian qua, cơ quan này đã triển khai nhiều đợt kiểm tra, rà soát bằng cấp (thuộc phạm vi do Sở quản lý) của đội ngũ cán bộ, giáo viên trên địa bàn. Bên cạnh đó, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, nhấn mạnh: “Thực hiện theo phân cấp quản lý thì Sở chỉ cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên. Khi rà soát những loại bằng cấp này thì chúng tôi phát hiện nhiều người làm giả, từ đó chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý”. Đối với vấn đề giáo viên sử dụng bằng giả để đi dạy thì theo ông Khoa dù có vì lý do gì thì cũng không thể chấp nhận được. “Đối với giáo viên các bậc từ mầm non đến Trung học cơ sở thì sẽ do các cơ quan huyện, thành phố quản lý nên Sở sẽ không tham gia xử lý đối với các trường hợp sử dụng bằng giả. Còn đối với các Trường trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên nếu phát hiện có trường hợp dùng bằng giả thì ngay lập tức sẽ bị đình chỉ công tác. Qua xác minh cụ thể thì sẽ buộc thôi việc, nếu nặng hơn thì chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định”.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh nhận định: Để giải quyết vấn nạn này cần xử lý từ gốc. Hiện nay, việc xác minh bằng cấp mới chỉ được các cơ quan nhà nước, hay các đơn vị nước ngoài yêu cầu, còn đối với các công ty, doanh nghiệp tư nhân họ ít khi xác minh giả, thật. Đây là kẽ hở cho người sử dụng bằng giả, tức là nhu cầu có thì tự khắc sẽ có cung. Do đó, nếu tất cả các doanh nghiệp, đơn vị đều chủ động xác minh kỹ bằng cấp giả thì vấn nạn làm bằng giả tự khắc sẽ biến mất, vì mua bằng giả chẳng giải quyết được gì.
Luật sư Nguyễn Thuỳ Quỳnh cho rằng, việc người sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả, dù với bất kỳ mục đích gì đều trái pháp luật và tùy theo từng trường hợp cụ thể sẽ xử lý. Ở mức độ nhẹ như xem xét lại việc đã tuyển dụng cán bộ trong cơ quan nhà nước hoặc tuyển dụng người lao động tại doanh nghiệp, hủy việc cấp các văn bằng đã cấp vì căn cứ giấy tờ giả. Trong đó, khi sử dụng giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, nếu bị phát hiện, khởi tố về tội danh sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, tại Điều 341 Bộ luật Hình sự, có thể chịu hình phạt tiền từ 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ, đến tù giam từ 6 tháng đến 7 năm, tùy mức độ hành vi phạm tội.
Cùng với đó, hành vi sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả đều là vi phạm pháp luật. Cơ quan bảo vệ pháp luật cần có biện pháp truy tố, xử lý hình sự các đối tượng sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả. Ngoài ra, lãnh đạo các cấp quản lý nhà nước cần chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và chặt chẽ, xử lý nghiêm những trường hợp dùng bằng giả, "chạy" bằng cấp. Bằng do cơ sở nước ngoài cấp khi được sử dụng làm điều kiện để tuyển dụng cần có quy định cụ thể, phải được thẩm định bởi cơ quan quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn kịp thời và có giải pháp để sớm giải quyết dứt điểm vấn nạn này.