Vì sao TPBank mặn nồng với trái phiếu doanh nghiệp?
Đầu tư - Tài chính 28/06/2020 06:24
TPB được thành lập năm 2008, đến năm 2012, Tập đoàn Doji cùng những người liên quan mua lại cổ phần Tienphongbank từ FPT Group, đổi tên thành TPBank. TPB hiện đang được FPT Group và SPV liên quan sở hữu khoảng 30%, Doji và người liên quan khoảng 20%, cổ đông lớn SBI Nhật, VNR, IFC và các cổ đông khác nắm hơn 20%.
TPB thuộc nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ. Khoảng 80% thu nhập của TPB đến từ hoạt động cho vay, hơn 10% từ phí dịch vụ và khoảng gần 10% từ hoạt động trái phiếu. Trong cơ cấu vay có già nửa đến từ khối khách hàng cá nhân mua ô tô, mua nhà, thẻ tín dụng và các khoản tín chấp khác. Trong cơ cấu đầu tư chứng khoán , TPB đầu tư 50% trái phiếu Chính phủ, 20% trái phiếu tổ chức tín dụng khác, còn lại ¼ là trái phiếu doanh nghiệp. Cơ cấu này có thể sẽ thay đổi trong năm 2020 khi ngân hàng đang tăng lượng trái phiếu phát hành.
Theo quan sát, TPB không định vị ngân hàng bán lẻ như ACB hay có một lợi thế cạnh tranh riêng như các ngân hàng thương mại cổ phần trong hệ thống. TPB tập trung vào hệ thống livebank và dự án ngân hàng số để đón lượng khách tương lai. Tuy nhiên, hiệu quả của định hướng này còn phụ thuộc vào nhận thức và thói quen của người tiêu dùng.
Mặc dù ROE cao, tốc độ tăng trưởng mạnh về lợi nhuận từ năm 2018 nhưng TPB lại không được nhà đầu tư thực sự tin tưởng về sự bền vững. Cho vay tiêu dùng cá nhân có xen lẫn khoản thế chấp nhà ở chiếm tới 50% dư nợ của TPB. Đây là lĩnh vực khá rủi ro như các chuyên gia kinh tế cảnh báo.
TPBank đầu tư trên 10.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp và tổ chức tiêu dùng khác, trong đó phần lớn từ các công ty cho vay tiêu dùng. Ngoài ra khoản phải thu bên ngoài, lãi/phí dự thu rất cao là con số khó xác định tính xác thực. Nếu cộng các khoản trên với các khoản cam kết/bảo lãnh khác ngoại bảng và nợ nhóm 2 trở lên của TPB, ra một khoản rủi ro khoảng 32.000 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu và chịu rủi ro điều chỉnh tình hình vĩ mô.
Chi phí trích lập dự phòng/phải thu trong kỳ 2018 của TPB đạt 0,66%, giảm dần so với năm 2017 và khá thấp so với 1%-2% của khối ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, ít nhất 1/3 tăng trưởng của TPB trong năm 2018 đến từ các khoản phí dịch vụ bảo hiểm, thu nhập khác, hoàn nhập VAMC được hạch toán một lần.
Một hoạt động giao dịch của TPBank |
TPBank xoay sở vốn bằng trái phiếu
Trong 3 quý vừa qua, TPBanh đã thông báo 17 lần phát hành trái phiếu. Tuy vậy số lần phát hành thành công chỉ đạt 50%, còn lại ngân hàng chủ động huỷ phát hành hoặc phát hành không thành công.
Trong tháng 11, 12 năm 2019, TPB phát hành 3 lô trái phiếu và huỷ 2 lô. Trong đó, ngày 28/11, TPB phát hành lô 19,7 tỷ đồng kỳ hạn 7 năm lãi suất 9,5%, biên độ 2,6% đồng thời huỷ lô 10 năm. Ngày 29/12, TPB cũng huỷ lô trái phiếu 10 năm. Nhưng đến ngày 26/12/2019, ngân hàng phát hành thành công một lô 34 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm và lô 85,5 tỷ đồng kỳ hạn 7 năm. Lãi suất 9,5-9,6%, biên độ 2,6-2,7%.
Trong 4 tháng đầu năm 2020, ngân hàng phát hành 6 lô trái phiếu và thành công 5 lô cho cá nhân. Ngoài ra trong giai đoạn này, TPB cũng huỷ phát hành 5 lô. Tổng khối lượng phát hành trong 4 tháng là 649 tỷ đồng.
Trong đó, gần đây nhất, ngày 9/4/2020, TPBank đã phát hành lô trái phiếu đợt 3 có tổng giá trị 236 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm thông qua phương thức bán trực tiếp cho nhà đầu tư.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và mức lãi suất áp dụng cho kỳ đầu tiên là 9,5%/năm, các kỳ tiếp theo sẽ bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,6%/năm. Trong đó, tổ chức lưu ký cho lô trái phiếu này chính là TPBank. Danh sách trái chủ không được công bố, chỉ được đề cập là nhà đầu tư trong nước.
Mức lãi suất trái phiếu TPBank phát hành cao hơn rất nhiều so với các ngân hàng phát hành cùng khoảng thời gian. Thống kê cho thấy, ngân hàng là nhóm ngành phát hành trái phiếu nhiều nhất trong năm 2019 và đầu năm 2020, nhưng lãi suất bình quân thấp hơn nhiều các doanh nghiệp khác, khoảng 7%/năm.
Nhưng các kỳ tiếp theo lại bằng mức tham chiếu cộng biên độ 2,6%, lại thấp hơn biên độ từ 3-4% mặt bằng chung. Diễn biến này khiến nhà đầu tư cho rằng khả năng TPBank đang cân đối vốn nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn tài chính.
Thời gian gần đây, nhu cầu tín dụng của TPBank có dấu hiệu tăng lên đáng kể. Theo báo cáo tài chính kiểm toán, dư nợ tín dụng của TPBank tăng 24% trong năm 2019, trong khi huy động tăng với tốc độ thấp hơn là 21,4%.
Hay như, chia sẻ với cổ đông tại buổi Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 27/5/2020, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, tính đến hết tháng 4, ngân hàng này ghi nhận lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng, tương đương 30% kế hoạch năm. Trước đó trong quý 1 ngân hàng ghi nhận lãi 1.009 tỷ. Dù bị ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội song huy động vốn qua 4 tháng vẫn tăng trưởng 6%, song tín dụng tăng trưởng mạnh hơn 11%.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư lâu năm cho rằng, TPBank từng dính nghi án bán khống cổ phiếu với chu kỳ rủi ro. Ngân hàng đột nhiên có lợi nhuận bứt phá thần tốc kể từ khi niêm yết năm 2018, bất chấp tăng trưởng tín dụng toàn ngành chững lại. Kèm sau đó là hàng loạt kế hoạch phát hành và đăng ký thoái vốn liên tục của Mobifone tại mức giá thấp hơn thị trường cũng là những gì nhà đầu tư còn trắc ẩn với cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên phong.
Mới đây, TPBank thông báo phát mãi 18 căn hộ ở block A3, A4 chung cư The Era Town ở đường 15B, phường Phú Mỹ, quận 7, TP Hồ Chí Minh do CTCP Đức Khải làm chủ đầu tư. Thời gian tổ chức cuộc đấu giá vào lúc 7h30 ngày 30/6/2020, tại số 151 Trần Huy Liệu, phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Những căn hộ thuộc quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán căn hộ giữa CTCP Đức Khải và Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư Thịnh Phát hồi 2015. Nhà đầu tư quan tâm có thể đăng ký tham gia đấu giá từ này đến hết ngày 27/6 tại địa chỉ số 151 Trần Huy Liệu, phường 8, quận Phú Nhuận, TPHồ Chí Minh. Với mỗi căn hộ, TPBank yêu cầu nhà đầu tư đặt trước gần 500 triệu đồng. Điều kiện đăng ký tham gia là các cá nhân, tổ chức có nhu cầu, khả năng tài chính được tham gia đăng ký ngoại trừ những trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Trước đó, BIDV cũng đã 3 lần rao bán 65 căn hộ The Era Town với giá bán khởi điểm dao động từ 2,2-5,5 tỷ đồng. Mức giá này bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng chưa gồm 2% phí bảo trì. Được biết, Công ty CP Đức Khải hiện đang thế chấp tại BIDV Gia Định xác nhận quyền đòi nợ, quyền phải thu, lợi tức phát sinh từ việc bán sản phẩm của block A2, A3, A4, A5, B1, B2 và B3 của dự án The Era Town. The Era Town là dự án do Công ty CP Đức Khải làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 4.800 tỷ đồng. Era Town có diện tích hơn 10 ha, 9 tháp với hơn 3.000 căn hộ bắt đầu bàn giao vào năm 2013. |