TPBank: Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.300 tỷ đồng, nắm giữ hơn 20.000 tỷ đồng TPDN
Đầu tư - Tài chính 29/04/2023 08:03
Mở đầu bảng công bố thông tin, TPBank cho biết, lợi nhuận sau thuế quý I/2023, đạt 1.314 tỷ đồng, tăng gần 114 tỷ đồng (tương ứng 8,76%) so với quý I/2022. Kết quả này chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần và thu thuần từ hoạt động dịch vụ với mức thu nhập thuần đạt được lần lượt là 2.737 tỷ đồng và 696 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt gần 151 tỷ đồng, tăng 370% so với quý I/2022, do ngân hàng đã tuận dụng tốt các cơ hội thị trường. Ngoài ra, ngân hàng đã kiểm soát tốt hơn rủi ro tín dụng từ khách hàng nên chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng Quý I năm nay giảm 440 tỷ (tương đương 58,3%) so với cùng kỳ năm ngoái...
Nếu so với kế hoạch lãi trước thuế 8.700 tỷ đồng đề ra cho cả năm dự kiến trình ĐHĐCĐ vào ngày 26/4, TPBank đã thực hiện được 20% mục tiêu.
TPBank: Nợ xấu tăng mạnh, nắm giữ hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp |
Tại báo cáo tài chính quý I/2023, tính đến 31/3/2023, tổng tài sản của TPBank đạt hơn 343.520 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng đạt hơn 170.000 tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng là hơn 2 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tính đến ngày 31/3/2023 là gần 201.000 tỷ.
Đáng chú ý, trong Quý I - năm 2023, nợ xấu của TPBank tăng mạnh so với thời điểm Quý IV - năm 2022 (tăng hơn 2.497 tỷ đồng). Trong đó, chủ yếu là nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng vọt từ 385 tỷ đồng (quý IV /2022) lên hơn 1.199 tỷ đồng (tăng hơn 200%), nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cũng tăng từ hơn 467 tỷ đồng (quý IV - năm 2022) lên hơn 764 tỷ đồng (tăng 64%); nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng từ hơn 505 tỷ đồng lên hơn 533 tỷ đồng (khoảng 6%). Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tại TPBank tăng từ 0,84% đầu năm lên 1,45%.
Chưa kể, nợ cần chú ý tại TPBank tính đến 31/3/2023 cũng đã tăng tới 125% so với thời điểm đầu năm, từ 3.091 tỷ đồng lên gần 6.942 tỷ đồng.
Ngoài ra, tính đến 31/3/2023, giá trị trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng TPBank nắm giữ là hơn 20.472 tỷ đồng.
Theo đánh giá của FiinRatings tại Báo cáo "Nhìn lại 2022 & Triển vọng thị trường vốn 2023", danh mục trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro tín dụng khi thị trường đã xuất hiện một số trường hợp chậm trả lãi và gốc trái phiếu.
Đây cũng là một trong những lý do, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản...
Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục phát đi cảnh báo về rủi ro trái phiếu doanh nghiệp. Theo Bộ Tài Chính, kể từ sau các vụ việc vi phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát trong năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, doanh nghiệp mua lại khối lượng trái phiếu trước hạn lớn.
Trước thực trạng đó, Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt để bảo vệ lợi ích hợp pháp và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi các Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải nắm giữ danh mục chứng khoán trị giá 2 tỷ đồng trong vòng 6 tháng tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
Việc tạm ngưng quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm thời gian tái cơ cấu lại nợ và đối với doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh có thể tiếp tục phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và quan trọng hơn nữa là nhà đầu tư cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, thận trọng đối với các dịch vụ tư vấn, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. Nhà đầu tư cần lưu ý rằng rủi ro của trái phiếu là rủi ro gắn với doanh nghiệp phát hành trái phiếu chứ không phải là rủi ro liên quan đến tổ chức phân phối trái phiếu, trong đó có các ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu.