Vì sao cống đập Ba Lai hiệu quả thấp?
Nhịp cầu bạn đọc 20/02/2020 08:21
Công trình cống đập Ba Lai được thi công từ năm 2000 và hoàn thành vào năm 2004, trong sự vui mừng và hi vọng của người dân trong khu vực. Mục tiêu của dự án là ngăn mặn, trữ ngọt, tiêu úng, tiêu chua, rửa phèn, cải tạo đất cho 193.000 ha đất tự nhiên, trong đó có 100.000 ha đất canh tác, kiểm soát mặn cho 20.100 ha đất nuôi trồng thủy sản. Dự án còn góp phần hình thành trục giao thông bộ giữa 2 huyện Ba Tri, Bình Đại và phát triển mạng lưới giao thông thủy bộ trong khu vực. Từ dự án cống đập Ba Lai, 5 nhà máy nước (Thới Lai, Long Định, Tân Mỹ, Ba Lai và Trung Thành) đã ra đời phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho 15.300 hộ dân. Dự án đã tạo chuyển biến rõ rệt về năng suất lúa, năng suất dừa vốn là mặt hàng chiến lược của tỉnh Bến Tre. Tổng kinh phí xây dựng là 67 tỉ đồng, với chiều dài công trình cống đập là 544 mét, gồm 10 cửa xả nước vận hành tự động bằng van 2 chiều.
Cống đập Ba Lai hoàn thành đã 16 năm nhưng không đạt hiệu quả khi ngăn mặn, trữ ngọt. |
Đây công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Bến Tre, nếu phát huy hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy nông nghiệp, kinh tế dân sinh trong vùng phát triển. Nhưng đó chỉ là mong muốn, còn thực tế 16 năm qua, công trình có vốn đầu tư 67 tỉ đồng này chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Do các hạng mục khác chưa được xây dựng đồng bộ, nên mục đích của công trình không đạt được như lí thuyết đề ra. Nguồn vốn lớn đầu tư nhưng hiệu quả thấp, khiến nhiều người dân bức xúc, nhất là việc không đáp ứng được yêu cầu trữ ngọt, ngăn mặn trên sông Ba Lai, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế của địa phương. Thời gian qua, nước mặn từ sông Cửa Đại vẫn theo sông Giao Hòa, sông Hàm Luông và kênh Chẹt Sậy đổ vào, khiến nước sông Ba Lai bị nhiễm mặn nghiêm trọng.
Mới đây, để bảo đảm nước ngọt phục vụ người dân và hoạt động cấp nước của các nhà máy nước, tỉnh Bến Tre đã quyết định đắp đập tạm chặn dòng Ba Lai ngay khu vực gần cầu Ba Lai cũ. Đây là một trong những giải pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn, sau khi Bến Tre quyết định tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn.
Ông Nguyễn Văn Điền, Giám đốc Ban Quản lí dự án đầu tư, xây dựng các Công trình NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, việc đắp các đập tạm tạo hồ chứa nước trên sông Ba Lai chỉ là công trình tạm thời duy trì trong mùa hạn mặn năm 2020. Công trình này sẽ ngăn nước biển từ phía sông Giao Hòa chảy lên. Kết hợp chặn trên dòng sông Mã (đoạn từ sông Hàm Luông đi vào) và chặn dòng Ba Lai đoạn xã Tân Phú (huyện Châu Thành). Cùng với các công trình cống ngăn mặn khác thuộc dự án thủy lợi Bắc Bến Tre, sẽ tạo tuyến kênh khép kín chứa hơn 1 tỉ m3 nước ngọt, giúp người dân trong vùng có nước ngọt sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, bảo đảm cho các nhà máy nước có nguồn nước ngọt để cung cấp cho người dân. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và khép kín hồ chứa nước trên đoạn sông Ba Lai trong khoảng giữa tháng 2/2020.
Thi công đập ngăn mặn “dã chiến”. |
Hiện 3 nhà máy nước lớn ở Bến Tre là An Hiệp, Sơn Đông và Hữu Định, mỗi ngày đêm cung cấp khoảng 70.000m3 nước phục vụ trên 75.000 hộ dân ở TP Bến Tre, huyện Châu Thành và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng buộc phải bơm nước nhiễm mặn để xử lí cung cấp nước cho người dân sử dụng.
Vấn đề đặt ra là vì sao một công trình quy mô ngăn mặn bậc nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với nguồn kinh phí xây dựng 67 tỉ đồng như cống đập Ba Lai lại không phát huy tác dụng ngăn mặn, trữ ngọt theo dự kiến ban đầu, suốt thời gian gần 16 năm qua. Hậu quả là đến nay lại phải tiếp tục xây dựng đập ngăn mặn “dã chiến” trên sông Ba Lai để ngăn mặn vừa mất nhiều thời gian, vừa tốn nhiều kinh phí.
Theo lí giải của các nhà quản lí, sở dĩ cống đập Ba Lai trước đây không ngăn được mặn là do dự án thủy lợi Bắc Bến Tre chưa hoàn thành. Câu hỏi đặt ra là bao giờ dự án này làm xong? Và khi bắt đầu thực hiện công trình làm cống đập Ba Lai, các nhà thiết kế, dự toán… có tính đến tình trạng này, để nay lại xuất hiện một đê ngăn mặn thứ 2 trên sông Ba Lai ngoài dự kiến?
Bà Võ Thị Thu, ở xã Tân Xuân, huyện Ba Tri cho biết: “Điều mà chúng tôi cần là nguồn nước ngọt để sinh hoạt và sản xuất. Nhưng nếu nhà nước bỏ ra số tiền quá lớn để làm cống đập Ba Lai mà chỉ tạo điều kiện đi lại (thay vì đi phà ngang như trước đây), khiến người dân rất bức xúc và không biết đến bao giờ mới xong”.
Cống đập hoành tráng đã hoàn thành 16 năm, nhưng nước mặn vẫn tràn ngập ruộng, vườn; trong khi chính quyền đang loay hoay xây dựng những con đập “dã chiến” khác, đó là thực trạng và nỗi buồn của người dân xứ Dừa hôm nay.