Về Gành Yến xem san hô nở hoa
Nhịp sống 21/07/2020 11:02
Các bậc cao niên làng chài Thanh Thủy cho hay, sở dĩ có tên gọi là Gành Yến bởi vì trước đây các gành đá có nhiều hốc nhỏ, nơi trú ngụ của các loài chim yến, én, sáo... Nơi đây có những phiến đá kì ảo, thô ráp, xếp tầng tầng, lớp lớp lên nhau, thành một vách núi sừng sững trải dài, vươn ra tới biển.
Một góc Gành Yến |
Cứ tầm 15 giờ chiều, khi thủy triều rút, những mảng san hô ở Gành Yến như “nở hoa” với hàng ngàn bông đua nở khoe màu khoe sắc, xen kẽ trong những bãi đá trầm tích núi lửa xếp chồng lên nhau, uốn lượn quanh bờ biển tạo nên “di sản Gành Yến” tuyệt tác của thiên nhiên khiến du khách chiêm ngưỡng mãn nhãn, ngẩn ngơ.
Chính sự kết hợp giữa trời, mây, non nước và những phiến đá muôn hình vạn trạng tạo thành một bức tranh thủy mặc tuyệt vời. Theo những người dân địa phương, có thể những lớp đá đen này là kết quả phun trào của núi lửa hàng triệu năm trước.
PGS,TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản cho biết: "Gành Yến nằm trong hoạt động của núi lửa cổ cách đây khoảng một triệu năm đến năm triệu năm. Qua khảo sát, Gành Yến đã có hai lần núi lửa phun trào. Lần đầu đợt phun trào tạo nên cột bazan rất to. Đợt thứ hai thì cột bazan bé hơn, đè lên cột bazan thứ nhất, tạo thành điểm du lịch rất đẹp và hiếm có".
Ngắm tuyệt tác san hô cực đẹp ở Gành Yến - Quảng Ngãi |
Theo người dân, khi du khách đến với Gành Yến mùa biển cạn mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của tự nhiên bởi lúc này biển lùi xa, để lộ ra những bông hoa san hô tuyệt đẹp, những con sao biển với đủ màu sắc như lạc vào chốn thần tiên làm say lòng du khách. Khung cảnh này sẽ xuất hiện liên tiếp 2-3 lần mỗi tháng khi thủy triều rút, rơi vào các ngày đầu và giữa tháng, từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch".
Tuy nhiên, theo PGS,TS Trần Tân Văn, Gành Yến còn nhiều san hô đang phát triển. Điều đó chứng tỏ môi trường biển ở Gành Yến rất tốt. Người dân và khách du lịch nên hạn chế việc đến tham quan Gành Yến nhiều quá ở thời điểm này, không giẫm đạp lên rừng san hô lộ thiên ở Gành Yến.
“Để bảo vệ các rạn san hô, chính quyền địa phương cử người, hướng dẫn du khách khi đến tham quan, du lịch Gành Yến không nên giẫm lên các rạn san hô. Địa phương đang kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư làm dự án phát triển du lịch ở đây. Đồng thời hướng người dân làm du lịch cộng đồng theo hình thức homestay", ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UBND xã Bình Hải, huyện Bình Sơn cho biết.