Về cuộc họp báo bi hài có một không hai ở Hà Giang năm ấy: Mười năm đã qua, kỉ niệm khó quên trong đời làm báo lại ùa về
Bình luận 30/05/2018 16:37
Ngày ấy, Báo Người cao tuổi đăng một số bài phản ánh vụ việc giữa UBND tỉnh Hà Giang với Công ty Sông Lô, Tạp chí Văn hóa Doanh nhân cũng có bài bình luận tương đối căng về vụ việc đó. Cả 2 cơ quan không nhận được giấy mời, mà chỉ được đồng nghiệp thông tin, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức họp báo về những vấn đề Báo Người cao tuổi nêu vụ việc Công ty Sông Lô và UBND tỉnh Hà Giang. Tối ngày 1/6/2008, một buổi gặp gỡ bàn bạc giữa bác Lê Lựu, bác Kim Quốc Hoa, tôi và vài người thân tín để biểu quyết có nên đi Hà Giang dự cuộc họp báo, trong khi không được mời, nếu đi thì bằng phương thức gì?. Chúng tôi biểu quyết, phải đi Hà Giang và cần hết sức bí mật.
Y hẹn, sáng 2/6/2008, chúng tôi đánh chiếc Jolie 7 chỗ của bác Lê Lựu (treo biển “Xe hộ đê”) đến 12 Lê Hồng Phong đón bác Kim Quốc Hoa và mấy phóng viên, lẳng lặng hành tiến lên Hà Giang. Chuyến đi này, xe chúng tôi đi vòng vèo, nên sẩm tối mới lên tới Hà Giang, đi ăn uống qua loa rồi về khách sạn. “Lệnh cấm trại” ban ra, không ai được đi đâu, tránh lộ bí mật sự có mặt của đoàn ở Hà Giang. Vì vậy, việc chúng tôi hiện diện ở Hà Giang đã được giữ bí mật đến phút chót.
Ông Nguyễn Trường Tô chủ trì cuộc họp báo
Sáng 3/6/2008, chúng tôi đến nơi tổ chức cuộc họp báo, tại Hội trường Thị ủy thị xã Hà Giang (nay là TP Hà Giang), mới sững người khi thấy có tới ngót nghìn người tập trung chật kín cả phía trong và ngoài hành lang Hội trường. Một lực lượng cảnh sát trật tự có mặt khá đông, vòng trong vòng ngoài. Ngay cửa ra vào, những người đến dự được Ban tổ chức phát không báo Hà Giang, trong đó đăng 3 bài báo có nội dung không tốt về Công ty Sông Lô, ai muốn lấy bao nhiêu cũng được. Trong khi đó, Công ty Sông Lô đem phát một số tờ Báo Người cao tuổi, lập tức bị lực lượng bảo vệ tịch thu!?
Chúng tôi tiến vào Hội trường, vẫn chưa ai biết người của Báo Người cao tuổi và Tạp chí Văn hóa doanh nhân đã có mặt tại Hà Giang. Trên phông của Hội trường treo tấm biển ghi rất rõ: “UBND tỉnh Hà Giang: Họp báo về những vấn đề Báo Người cao tuổi nêu về Công ty TNHH Sông Lô và UBND tỉnh Hà Giang”. Vậy là đã rõ, vì sao Báo Người cao tuổi và Tạp chí Văn hóa Doanh nhân không nhận được giấy mời!?. Trong khi 28 tờ báo và những cơ quan được mời, UBND tỉnh Hà Giang cho xe về tận Hà Nội đón, bố trí ăn ở như thượng khách!?. Mãi sau này tôi mới biết, trong danh sách công văn mời vẫn có tên Báo Người cao tuổi, Tạp chí Văn hóa doanh nhân. Văn thư UBND tỉnh mang đi gửi đủ, danh sách vào sổ gửi công văn ở Bưu điện cũng có Báo Người cao tuổi và Tạp chí Văn hóa Doanh nhân. Sau đó, ông Nguyễn Trường Tô (khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh) chỉ đạo văn thư ra bưu điện rút lại mấy công văn mời, rồi cất biến vào ngăn kéo.
Mở đầu cuộc họp báo, những người đến dự được “dọa” ngay bằng một phóng sự của Đài Truyền hình Hà Giang dài 30 phút, nội dung tập trung vào việc nêu các bằng chứng, nhân chứng nhằm nói xấu, hạ uy tín Báo Người cao tuổi và Công ty Sông Lô. Tiếp theo, ông Tô đọc bản báo cáo dài 7 trang in khổ A4, có tới 80% dung lượng tự khoe thành tích trong những năm qua. Phần còn lại, ông cho rằng, Công ty Sông Lô liên tục cung cấp thông tin cho báo chí, để các báo phản ánh thiếu trung thực, có cái nhìn sai lệch, phiến diện… làm ảnh hưởng đến uy tín của UBND và lãnh đạo tỉnh. Ông Tô cho rằng: Báo Người cao tuổi phản ánh sai sự thật, thiếu khách quan, thiếu trung thực, có nội dung xấu, lời lẽ thiếu văn hóa… bôi nhọ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, quy kết, phán xét những sai phạm không có thật và lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận xúc phạm có mục đích và có tổ chức…
Sau khi ông Hoàng Đình Châm (khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) đọc xong bài phát biểu, ra sức chỉ trích Bản án hành chính sơ thẩm số 01 của TAND tỉnh Hà Giang, chỉ trích Báo Người cao tuổi đăng thông tin không chính xác, vi phạm Điều 10 Luật Báo chí về những thông tin không được phép đăng tải… ông Tô tuyên bố giải lao, sau khi vào sẽ kết luận cuộc họp báo. Như vậy đã rõ, Ban tổ chức cuộc họp báo cố tình không cho đại diện Báo Người cao tuổi và Công ty Sông Lô được phát biểu chính kiến. Khi ông Tô vừa từ bục bước xuống, bác Hoa lập tức tiến lại trước mặt ông Tô giới thiệu: “Tôi Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập Báo Người cao tuổi, tờ báo mà các anh đang họp để xem xét (vừa nói bác Hoa vừa chỉ lên tấm biển treo trên phông). Tôi đề nghị, sau giải lao vào phải cho chúng tôi và Công ty Sông Lô phát biểu ý kiến…”. Ông Tô bị bất ngờ, tái mặt nhưng buộc phải đồng ý với đề nghị của bác Hoa.
Bài phát biểu của bác Kim Quốc Hoa khiến cả Hội trường sôi động
Bài phát biểu của bác Kim Quốc Hoa khiến cả Hội trường sôi lên. Bằng những lập luận sắc bén, những chứng cứ pháp lí vững chắc, bác Hoa đã làm rõ những sai phạm của UBND tỉnh Hà Giang trong vụ việc với Công ty Sông Lô là có thật. Thông tin Báo Người cao tuổi phản ánh tại các bài báo là có căn cứ. Từ đó, bác bỏ những nội dung quy kết Báo Người cao tuổi của UBND tỉnh Hà Giang, do ông Nguyễn Trường Tô và ông Hoàng Đình Châm nêu ra.
Bài phát biểu của ông Lê Duy Hảo, Giám đốc Công ty Sông Lô, đề cập cụ thể tới những nguyện vọng chính đáng của cán bộ công nhân viên Công ty. Ông cảm ơn các nhà báo đã bằng ngòi bút, trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, với tinh thần trung thực và dũng cảm đã đưa tin phản ánh sự thật, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người lao động của Công ty Sông Lô.
Cuộc họp báo kết thúc trong sự thú vị, sôi động của các nhà báo và sự hằn học của các “cổ động viên” tỉnh Hà Giang. Cả thời gian dài sau đó, không báo nào có thông tin về cuộc họp báo này, duy nhất chỉ có tôi viết bài: “Hà Giang: Một cuộc họp báo bi hài hay “cái dại của ông Chủ tịch”, đăng trên Báo Người cao tuổi số 40 (554) ngày 6/6/2008. Như vậy, mục đích tổ chức cuộc họp báo của UBND tỉnh Hà Giang bị tác dụng ngược, biến thành diễn đàn để Báo Người cao tuổi nêu bằng chứng, chính kiến để bảo vệ sự thật, bảo vệ luật pháp.
Hoàng Linh