Văn minh trong sở thích
Bình luận 24/07/2018 13:56
Tuần trước, một bé gái 8 tháng tuổi tại Hà Nội bị đưa đến bệnh viện trong tình trạng mạch không, huyết áp không, xuất huyết não, chảy máu nhiều từ các vết thương vùng đầu và hai bên thái dương. Các bác sĩ đã không thể cứu nổi bé gái, vì chấn thương quá nặng. Bé bị chó ngao Tây Tạng 40 kg nuôi trong gia đình tấn công.
Chủ nuôi không rọ mõm, để chó ra ngoài, không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo sẽ chịu mức phạt từ 600.000 đến 800.000 đồng. Ảnh minh họa |
Sự việc đau lòng này thêm hồi chuông báo động về tình trạng thú nuôi, cụ thể là chó nhà, chó cảnh…, tấn công người. Tháng trước, tại Cà Mau, 1 con chó có virus dại đã cắn hai người dân và nhiều con chó khác, khiến cơ quan chức năng phải vây bắt và tiêu diệt 10 con chó mang virus dại. Cũng tại địa phương này, tháng 5/2018, có 3 người tại huyện Đầm Dơi, Trần Văn Thời bị chó cắn nhưng không tiêm vacxin nên đã tử vong. Tại Phú Thọ, một bé trai 6 tuổi khi chơi đuổi bắt trong sân, đã bị con chó to nặng hơn 10 kg xông đến cắn liên tiếp vào vùng đùi, mông. Tại Hà Nội, một bé trai 21 tháng tuổi bị chó cắn mặt, tổn thương phức tạp vùng hàm mặt, tổn thương nhiều cơ quan quan trọng như: mắt, mũi, miệng, tổn thương ống sternon (ống tuyến nước bọt)…, con chó chết sau 4 ngày cắn người và em nhỏ đã phải tiêm vacxin. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, có trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi bị chó cắn đứt cả khí quản, có bé bị chó cắn nát cả mặt khâu tới 200 mũi. Có cháu mới được 6 - 7kg bị chó cắn vào mặt rồi lôi xềnh xệch. Thậm chí có bé bị chó cắn lôi cả vào gầm xe tải, rất nhiều người lớn mới giải cứu được cháu bé…
Những con thú cưng dễ thương, bất kể to – nhỏ đã và đang tiềm ẩn những mối nguy hiểm cho cộng đồng. Việc các vật nuôi chứa những vi khuẩn, vi trùng mang mầm bệnh, nguy hiểm cho hô hấp của con người, nhất là các cháu nhỏ, là điều đã được khoa học chứng minh. Thêm vào đó, là những vụ tấn công đáng sợ như trên. Bên cạnh đó là những vấn đề về vệ sinh môi trường, tiếng ồn…mà các vật nuôi, nhất là tại thành phố, các khu chung cư… gây ra cho cộng đồng.
Trên thực tế, cơ quan chức năng nước ta đã có những văn bản quy định về lĩnh vực thú y, trong đó Nghị định 90/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ tháng 9/2017, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y đã nêu rõ chó thả rông ngoài đường sẽ bị bắt giữ và đưa về trại tập trung, sau một thời gian sẽ bị tiêu hủy. Chó không rọ mõm, không xích, không người dắt tại nơi công cộng..., chủ chó sẽ bị phạt tiền lên tới 800.000 đồng. Sau khi Nghị định có hiệu lực, việc bắt giữ, nuôi nhốt và tiêu hủy vật nuôi gây nhiều tranh cãi được thực hiện ở vài địa phương, sau đó dần dần không thấy thực hiện nữa. Với quy định rọ mõm, nhiều chủ chó chấp nhận rọ mõm nhưng cho đeo những rọ chỉ mang tính trang sức, đối phó, không thể tước bỏ khả năng cắn, tấn công. Những người nuôi chó, mèo hoặc động vật còn cho rằng rọ mõm khiến con vật không được thoải mái, mất tự nhiên… Dần dà, việc thực thi các quy định trở nên lơi lỏng, và đây đó, nhất là tại các vùng nông thôn, việc thả rông vật nuôi, trong đó có chó dữ rất phổ biến. Tại thành phố Hồ Chí Minh các đội viên săn bắt chó thả rông nhận được nhiều phản ứng tiêu cực, thậm chí còn bị các chủ nuôi chó hành hung, gây thương tích.
Nuôi vật nuôi là sở thích của nhiều cá nhân và gia đình. Vật nuôi – thú cưng như những người bạn thân thiết, “vệ sĩ” trung thành, gác cổng đắc lực... Chơi cùng và chăm sóc vật nuôi cũng có những tác dung tốt với tâm lý của trẻ em. Tuy nhiên, khi thực tế đã và đang tồn tại những mối nguy hiểm thậm chí tới tính mạng khi nuôi vật nuôi mà không tuân thủ các quy định về lĩnh vực thú y, thì mọi biện hộ, chủ quan của chủ các vật nuôi là điều không thể chấp nhận được. Trên thế giới, nhiều quốc gia văn minh có các quy định chặt chẽ nhằm chăm sóc, bảo vệ động vật nuôi, nhưng cũng đi kèm với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt mà chủ của vật nuôi phải tuân thủ. Tại một số quốc gia, mọi chú chó bất kể tuổi tác, nòi giống… đều phải được chủ trang bị cho thẻ tên bao gồm những thông tin "cá nhân" như: tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của chủ. Một chú chó thả rông trong tình trạng không đeo biển tên, chủ nuôi sẽ bị phạt khoản tiền lớn, có nơi mức phạt tương đương với 150 triệu đồng Việt Nam. Một số quốc gia thì cấp… thẻ căn cước cho các chú chó, với thời hạn không được quá thời gian hiệu lực của vacxin phòng dại và các bệnh gây nguy hiểm. Tại một số quốc gia, yêu cầu rất kỹ về việc trang bị dây dắt chó khi ra khỏi nhà, và tại các gia đình nuôi chó đều phải có biển cảnh báo. Một số quốc gia thì phạt khá nặng chủ nuôi nếu các chú chó phóng uế bừa bãi hay gây hư hại cho cảnh quan và môi trường chung. Như vậy, nếu đã xem nhu cầu nuôi vật nuôi là tình cảm và hướng tới cuộc sống văn minh, thì việc chấp hành những quy định về vật nuôi nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng và cũng như để tránh những phiền hà khác (môi trường, tiếng ồn…) là hành vi văn minh mà mọi chủ vật nuôi cần phải tuân thủ.
Song song với ý thức của mỗi người chủ vật nuôi, các cơ quan chức năng, bên cạnh việc ban hành các quy định (có thể gia tăng mức phạt đủ tới mức răn đe), cần xúc tiến hơn nữa việc thực thi các quy định đó, ví dụ xây dựng các trung tâm nuôi nhốt, các đội kiểm soát… đắc lực, hiệu quả, đảm bảo yêu cầu. Việc kiểm soát về công tác thú y (khám bệnh, tiêm phòng...) cho vật nuôi cần được bảo đảm chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để những chủ vật nuôi nâng cao ý thức trong viêc bảo đảm sự an toàn và quyền lợi của cộng đồng.
Có như vậy, mọi sở thích riêng của mỗi cá nhân mới thực sự đạt tới đích văn minh.
Báo Tin tức