Văn hóa Việt trong lễ cúng tất niên
Xã hội 07/02/2024 10:51
Lễ cúng tất niên đã có từ lâu đời của người Việt trên khắp vùng miền của Tổ quốc từ miền xuôi dến miền ngược, từ miền núi cao đến hải đảo xa xôi. Lễ cúng tất niên rất đỗi thiêng liêng đối với gia tộc, gia đình. Bởi nó thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn của con cháu với tổ tiên, với những người đã khuất. Vừa là dịp để con cháu tìm về cội nguồn, sum họp trao đổi, giúp đỡ động viên nhau sau một năm làm ăn sinh sống.
Do lễ cúng tất niên có tính thiêng liêng như vậy mà con cháu dù công tác hay làm ăn nơi xa cũng luôn cố gắng về dự lễ cúng này. Thậm chí những người con ở xa Tổ quốc cũng luôn đau đáu nhớ về. Họ vượt xa vạn dặm để được về thắp cho tổ tiên ông bà nén hương với tấm lòng thành trong lễ cúng tất niên.
Ở quê tôi, lễ cúng tất niên đối với gia tộc cũng vừa là lễ cúng rước tiên linh ông bà về ăn Tết cùng con cháu được tổ chức ở nhà thờ họ. Lễ cúng thường vào buổi trưa, dành thời gian vào buổi chiều để con cháu còn lo cúng tất niên ở gia đình mình.
Theo quan niệm dân gian: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”. Mặc dù ông bà đã chết nhưng linh hồn vẫn còn sống phù hộ cho con cháu sức khỏe và phát đạt trong cuộc sống. Do vậy lễ cúng này rất thành kính, trang nghiêm và kĩ lưỡng.
Mâm cỗ trong lễ cúng tất niên dù thịnh soạn hay thanh đạm vẫn phải tinh tươm từ khâu mua sắm đến khâu chế biến các món ăn. Tất cả đều phải thể hiện với tấm lòng thành kính trân trọng. Ở nhà thờ họ, thường mổ một con heo trước cúng tổ tiên, sau để con cháu đông đủ nhâm nha trao đổi tâm sự cùng nhau. Trong mâm cúng, đầu heo được trang trí gọn đẹp mà phải đủ các bộ phận của con heo dù mỗi thứ một ít mang tính tượng trưng. Cuối cùng phải có miếng mỡ chài bao lên đầu heo. Nếu cúng gà thì phải chọn gà trống mồng đỏ thắm, chân vàng, sắc lông óng mượt rạch ròi từ lông cổ đến lông đuôi. Ngoài ra còn phải có những phẩm vật khác, nhưng không thể thiếu hoa quả, hương đèn, trà tửu, diêm mễ... Thể hiện nét văn hóa tâm linh trong truyền thống cổ truyền và nét đẹp thành kính của ông bà xưa.
Trong lễ cúng ở nhà thờ họ, con cháu phải tề tựu sớm. Mỗi người tự sắp xếp để lo chu toàn buổi cúng. Các bậc cao niên vừa uống trà đàm đạo, vừa chỉ giáo con cháu. Trong khi chị em chế biến thức ăn ở nhà bếp, thì lớp trai trẻ lại sắp xếp, bàn soạn các món ăn đã được chế biến.Tất cả luôn tạo ra nề nếp gia phong, tôn ti trật tự từ cách xưng hô đến cách thể hiện công việc cùng với sự cẩn trọng tôn kính. Thậm chí trong khi nấu cũng kiêng không được nếm sợ bất kính với tổ tiên. Người nấu chỉ ước lượng gia vị để độ đậm nhạt của món ăn thích hợp. Đấy cũng là cách giáo dục kỹ năng khéo léo của chữ công một cách sâu sắc mà ông bà ta để lại.
Khi các món ăn, thức uống được bàn soạn tinh tươm lên bàn thờ tổ tiên, vị trưởng tộc đứng nghiêm cẩn đốt hương khấn vái tổ tiên, phía sau các con cháu đứng hầu lễ. Lễ cúng khoản 30 phút. Sau khi hoàn tất lễ cúng thì các mâm cổ được sắp xếp theo trình tự nhất định. Các bậc cao niên được sắp xếp ngồi ở gian giữa nhà thờ. Các con cháu được ngồi ở các bàn ở vị trí khác. Như thế trong quá trình ẩm thực cũng được sắp xếp theo trật tự thể hiện nét văn hóa gia phong.
Con cháu vui vẻ hội tụ quanh mâm cổ Tết không đơn thuần thưởng thức miếng ngon xưa ông bà, cha mẹ đã từng nấu mà còn là dịp gặp gỡ thăm hỏi, động viên nhau sau một năm làm việc sinh sống. Rồi cùng chúc nhau những điều tốt đẹp khi năm mới đang về. Đó cũng là dịp con cháu ở xa ít khi về, biết được nguồn cội, biết cách xưng hô trong ngôi thứ dòng tộc. Đồng thời là dịp nhắc nhớ chữ hiếu, học tập bổ sung chữ lễ, không làm mai một chữ nghĩa dẫu cho đường đời đôi lúc khó khăn mà cổ nhân đã dạy về đạo đức làm người.
Còn lễ cúng tất niên gia đình cũng không ngoài sự tỏ lòng thành kính biết ơn tổ tiên, người đã khuất, tiễn biệt năm cũ. Mà còn là dịp sum họp gia đình. Mọi thành viên của gia đình được đoàn viên sum vầy dưới mái ấm trong ngày Tết cổ truyền, để chúc mừng nhau, nhắc nhở, động viên nhau làm tròn trách nhiệm, đạo đức công dân. Cố gắng vươn lên, luôn giữ gìn nề nếp gia phong. Giữ trọn chữ trung chữ hiếu, cần kiệm nhẫn nại trên con đường lập thân lập nghiệp.
Dẫu thời nay việc đón Tết có thêm dư vị khác xưa. Nhưng mâm cỗ tất niên vẫn luôn tồn tại, bởi nó mang đậm nét văn hóa giáo dục trong gia đình, dòng tộc người Việt. Và luôn được lưu truyền, gìn giữ.