Ứng phó với thách thức dân số già, lao động cao tuổi
Vấn đề hôm nay 05/12/2022 14:24
Một đại gia đình ở Hà Nội với nhiều thế hệ cùng có mặt. Ảnh: Thùy Linh |
Thách thức lớn cho ngành y tế
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết: Nhờ sự nỗ lực của chương trình dân số-kế hoạch hóa gia đình trong thời gian qua, chúng ta đã đạt và duy trì mức sinh thay thế hơn một thập kỷ qua.
Tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở mức cao 74,7%, trong đó tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 67%. Thành công của chương trình dân số-kế hoạch hóa gia đình đã mang đến nhiều cơ hội phát triển cho phụ nữ và trẻ em, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, ông Tú cũng cho hay: Việt Nam vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình: Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 15-49 hiện nay của nước ta là gần 25 triệu người và vẫn tiếp tục tăng lên 26 triệu người vào năm 2030. Nhu cầu kế hoạch hóa gia đình ngày một tăng lên với các yêu cầu ngày càng phong phú đa dạng về phương tiện, biện pháp và nâng cao về chất lượng. Dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Tú cho hay: Vị thành niên/thanh niên là nhóm dân số dễ bị tổn thương và đang ở độ tuổi thay đổi lớn về tâm sinh lý, tích lũy kiến thức, tri thức, hình thành nhân cách để chuẩn bị những hành trang quan trọng bước vào đời. Nghị quyết số 21-NQ/TW đã đặt ra các chỉ tiêu tỉ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, giảm số vị thành niên và thanh niên mang thai ngoài ý muốn và “hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ”.
GS.TS Nguyễn Duy Ánh- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng, Việt Nam đạt mốc 100 triệu dân vào năm 2023 là một thách thức rất lớn của ngành y tế nói chung và ngành sản khoa nói riêng.
"Với quy mô dân số như vậy, với khoảng 2 triệu em bé sinh ra một năm là một thách thức rất lớn, không chỉ riêng với ngành sản khoa. Chất lượng dân số, tương lai của đất nước nằm ở việc chăm sóc những em bé này. Nếu như chúng ta không có chiến lược chăm sóc trước sinh, trong sinh và sau sinh tốt thì có nghĩa là nhiều đứa trẻ sinh ra có thể trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội nếu mắc phải dị tật bẩm sinh, các loại bệnh tật... Nếu làm tốt việc chăm sóc những em bé này, thì sẽ mang lại hạnh phúc cho các gia đình và nâng cao chất lượng dân số" - GS Ánh nói.
Để làm được như vậy thì ngành y tế cả ở tuyến Trung ương và địa phương cần phải đầu tư cho lĩnh vực sức khỏe sinh sản, vì đây là sự đầu tư cho tương lai. Đặc biệt, trong các lĩnh vực sâu, lĩnh vực mũi nhọn cần phải được chú trọng, để chuẩn bị tốt nhất cho sự chào đời của những đứa trẻ.
Cơ cấu dân số Việt Nam. Biểu đồ: Bích Hà (nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê) |
Chính sách cần phải thích ứng với dân số già, lao động cao tuổi
Bên cạnh những khó khăn trong việc đáp ứng với quy mô dân số lớn, theo các chuyên gia, vấn đề già hóa dân số cũng là một trong những thách thức lớn hiện nay. Tốc độ già hóa dân số tại Việt Nam được đánh giá diễn ra rất nhanh. Sau giai đoạn "dân số vàng", chúng ta phải chuẩn bị nhiều điều kiện để bước vào giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh từ già hóa dân số.
Dù có nhiều thay đổi trong chính sách và thực thi trong thực tế, nhưng do điều kiện kinh tế còn chưa đáp ứng hết được nhu cầu chăm sóc của hàng triệu người cao tuổi cũng như những thay đổi lớn trong kết cấu của hộ gia đình (từ gia đình nhiều thế hệ sang gia đình hạt nhân) nên việc chăm sóc người cao tuổi hiện nay vẫn đối mặt nhiều khó khăn.
GS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Chúng ta đang từng bước thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng với già hóa dân số nên đương nhiên người cao tuổi sẽ là trọng tâm của các chiến lược, chính sách này. Khi nói về người cao tuổi cần lưu ý là có hai nhóm là người cao tuổi hiện nay và người cao tuổi trong tương lai (hay chính là những người trẻ tuổi, trung niên bây giờ). Thích ứng với dân số già tức là phải chuẩn bị cho cả hai nhóm dân số này.
Mặt khác, với nhóm dân số trẻ hơn - những người cao tuổi tương lai - cần tận dụng ‘cơ hội vàng’ khi tỉ lệ và số lượng nhóm này còn tăng trong khoảng 2 thập kỷ nữa. Chuẩn bị kinh tế/tài chính, sức khỏe và các hoạt động cộng đồng để vừa đảm bảo an sinh thu nhập hiện tại cũng như trong tương lai và để chuẩn bị cho “kiềng ba chân” của già hóa tích cực - đảm bảo kinh tế; đảm bảo sức khỏe và hoạt động cộng đồng" - GS Long phân tích.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh người cao tuổi không phải là “gánh nặng” của xã hội, mà họ vẫn đang đóng góp công sức - một cách thầm lặng và nhiều khi không được ghi nhận - cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
"Biết tận dụng tri thức, kinh nghiệm của người cao tuổi một cách phù hợp thì sẽ mang lại những giá trị to lớn cho xã hội. Ngược lại, nếu không chăm lo, chuẩn bị thích ứng với dân số già hóa nhanh một cách phù hợp, đúng thời điểm thì sẽ bỏ lỡ “cơ hội vàng” dân số hiện nay cũng như tạo “gánh nặng” thực sự trong tương lai với gần 30 triệu người cao tuổi vào giữa thế kỷ này" - GS Long nói.