Tự chủ đại học: Phải xóa bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo của cơ quan chủ quản
Giáo dục 13/08/2018 08:18
Nhà nước không thể trao quyền tự chủ của trường đại học cho một cá nhân mà phải cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường. Đó chính là Hội đồng trường/Hội đồng quản trị.
Bởi vậy thành lập Hội đồng trường/Hội đồng quản trị là khâu đột phá trong tiến trình trao quyền tự chủ cho trường đại học. Tuy nhiên sức mạnh và cơ cấu thành phần của Hội đồng trường/Hội đồng quản trị lại phụ thuộc rất lớn vào hình thức sở hữu của loại hình trường đại học.
Nhà nước đã có một hành lang pháp lý gắn việc đầu tư với một số loại hình sở hữu tài sản để thu hút người dân tham gia chủ trương xã hội hóa phát triển giáo dục đại học.Trở lại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước để quản lý trường đại học thì thấy hiện chúng ta đang có các hình thức sở hữu sau: Sở hữu Nhà nước; Sở hữu tập thể; Sở hữu chung của cộng đồng; Sở hữu tư nhân; Sở hữu chung hỗn hợp.
Chính việc chậm thành lập các Hội đồng trường “đích thực” là nguyên nhân chủ yếu gây khó cho Nhà nước khi muốn trao nhiều quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH. |
Những bất cập và hệ lụy
Cùng với xu hướng gia tăng quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH công lập cơ chế Hội đồng trường từng bước được khẳng định tại các văn bản pháp lý của Nhà nước.
Theo Luật Giáo dục 2005 Hội đồng trường là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.
Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện chủ sở hữu của nhà trường. Do Nhà nước luôn là chủ sở hữu của các trường công lập nên ở các trường công lập cả Hiệu trưởng lẫn Hội đồng trường dều cùng là người đại diện cho Nhà nước. Vì có sự chồng lấn về chức năng giữa Hiệu trưởng và Hội đồng trường như vậy nên phần lớn hiệu trưởng thường không muốn tiếp nhận cơ chế Hội đồng trường trong trường mình; và nếu phải chấp nhận thành lập Hội đồng trường thì chỉ xem nó như là một tổ chức tư vấn của mình.
Chính việc chậm thành lập các Hội đồng trường “đích thực” là nguyên nhân chủ yếu gây khó cho Nhà nước khi muốn trao nhiều quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH.
Theo Nghị quyết 05 của Chính phủ (2005), Nhà nước chấp nhận cả hai loại hình trường tư thục: trường tư thục vì lợi nhuận và trường tư thục không vì lợi nhuận.
Thế nhưng, trong một thời gian dài quy định chỉ có một loại trường tư thục dẫn tới việc đưa đồng thời cả hai khái niệm “sở hữu tư nhân” (vốn chỉ có đối với loại trường tư thục hoạt động vì lợi nhuận) và “sở hữu chung hợp nhất không phân chia” (thường chỉ có ở loại trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận) vào cùng một Quy chế 61 (sửa đổi).
Chính việc trộn lẫn các khái niệm sở hữu như trên đã dẫn tới sự can thiệp thô bạo vào quyền của những nhà đầu tư có ý định đưa nhà trường của mình đi theo hướng vì lợi nhuận; đồng thời làm cho việc chuyển đổi các trường đại học dân lập sang trường đại học tư thục gặp nhiều trục trặc; có trường muốn ở lại với mô hình ĐHDL để tiếp tục theo sở hữu tập thể nhưng không được chấp thuận.
Những xung đột xảy ra khá phổ biến trong nội bộ các cơ sở GDĐH ngoài công lập (cả dân lập lẫn tư thục) trong thời gian qua chủ yếu là do sự tranh giành quyền lực giữa các nhóm lợi ích trong trường (giữa Hội đồng quản trị với Ban giám hiệu, giữa các cổ đông với nhau).
Để giải tỏa các xung đột này giải pháp tốt nhất là phải tách bạch quyền hạn và chức năng giữa nhóm thành viên góp vốn (sáng lập và đầu tư), hội đồng quản trị (định hướng và giám sát) và ban giám hiệu (quản lư và điều hành).
Trường đại học công lập: Không trao quyền tự chủ cho hiệu trưởng
Trong tổ chức quản trị Xã hội và Nhà nước có 2 loại định chế tổ chức rất phổ biến: Một là, định chế có cấu trúc kiểu tập quyền (cấp trên bổ nhiệm cấp dưới và cấp dưới phải chấp hành các chỉ thị của cấp trên dưới dạng các quyết định cá nhân; mọi nhà trường đều có cơ quan/bộ chủ quản; trường không được quyền tự chủ hoàn toàn); Hai là, định chế điều phối tự quản kiểu hội đồng ( qua bầu chọn đại diện của các nhóm lợi ích có liên quan; không có cơ quan/bộ chủ quản; trường được tự chủ tối đa ).
Từ việc phân tích các điểm mạnh, yếu của 2 định chế tổ chức này Đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 đã nêu:
“…Trên cơ sở hình thành hội đồng trường đại diện cho cộng đồng xã hội, các cơ sở giáo dục đại học hoạt động tự chủ và nâng cao trách nhiệm xã hội, tiến tới xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản...”
Có một số nhận xét rút ra từ quan điểm chỉ đạo trên:
- Quyền tự chủ của nhà trường chỉ có thể trao cho Hội đồng trường, không thể trao cho Hiệu trưởng. Trường hợp ngược lại Hiệu trưởng rất dễ trở thành nhà độc tài. Do đó chỉ các trường đại học công tự chủ mới thực sự cần có Hội đồng trường.
- Hội đồng trường chỉ thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất trong nhà trường khi nó đại diện cho cộng đồng xã hội (chứ không phải chỉ đại diện cho tập thể các thành viên của nhà trường theo cơ chế sở hữu tập thể của trường đại học dân lập kiểu cũ, lại càng không phải là tổ chức tư vấn của Hiệu trưởng).
- Phải từng bước xóa bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo và quản lý của cơ quan chủ quản theo định chế có cấu trúc kiểu tập quyền. Nếu chưa xóa bỏ được cơ chế này thì cho dù có thành lập Hội đồng trường thì nó cũng không phát huy được tác dụng.
Từ những phân tích trên chúng tôi đề nghị xây dựng hội đồng trường trong các cơ sở GDĐH theo định hướng sau:
- Hội đồng trường là tổ chức quản trị, là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường đại học công lập tự chủ, đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của cộng đồng xã hội đối với nhà trường.
- Thành phần của hội đồng trường:
+ Đối với các trường đại học tự chủ : bao gồm các thành viên trong trường ( Đảng ủy, Ban giám hiệu, Công đoàn, Thanh niên, giảng viên và cán bộ quản lý) và các thành viên ngoài trường (đại diện của cơ quan quản lý trường, các cựu lãnh đạo nhà nước có uy tín, các nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng, các doanh nhân tiêu biểu, vừa có tâm vừa có tầm, các cựu sinh viên thành đạt,…). Để bảo đảm tính khách quan của các quyết nghị của Hội đồng trường (không bị chi phối bởi các lợi ích cục bộ) thành phần ngoài trường phải chiếm đa số.
Trừ Chủ tịch Hội đồng trường làm việc chuyên trách và có lương tất cả các thành viên còn lại của Hội đồng trường đều hoạt động theo chế độ tự nguyện, không hưởng phụ cấp.
+ Đối với các trường đại học bình thường (vẫn còn theo cơ chế bộ chủ quản): Hội đồng trường (nếu có) thực tế chỉ giữ vai trò của tổ chức tư vấn cho Hiệu trưởng nên thành phần trong trường có thể chiếm đa số.
Trường đại học tư thục: Hội đồng quản trị không can thiệp trực tiếp vào công việc điều hành hàng ngày của Ban giám hiệu nhà trường
Những minh chứng nêu ở trên cho thấy Nhà nước cần phải tách bạch rõ hơn hai loại trường tư thục hoạt động vì lợi nhuận và hoạt động không vì lợi nhuận kèm theo các định chế về tổ chức và tài chính, đồng thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường khi chuyển loại hình, chứ không nên xem trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận chỉ là một dạng đặc biệt của trường đại học tư thục..
Đối với trường đại học hoạt động vì lợi nhuận.
Quy chế về tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục một thời gian dài chỉ áp dụng được đối với loại trường tư thục hoạt động vì lợi nhuận.
Ở loại trường này Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất trong nhà trường; các cổ đông (tức là người góp vốn) không chỉ được hưởng lợi tức không giới hạn mà còn có quyền được can thiệp vào công việc điều hành nhà trường, được giữ các vị trí trọng trách trong trường; còn các cán bộ, nhân viên của trường (từ Hiệu trưởng trở xuống) thực chất chỉ là những người được các cổ đông (nhất là những cổ đông có cổ phần lớn) tuyển dụng.
Do đó các nhà giáo dục, các nhà quản lý nếu không có vốn góp thì đương nhiên phải chấp nhận đứng ở vị trí bị điều hành. Đối với loại trường này, sự cạnh tranh quyết liệt chỉ diễn ra (nếu có), giữa các cổ đông lớn, thông qua hình thức mua bán, chuyển nhượng cổ phần (như đang xảy ra tại một số trường đại học tư thục hiện nay).
Về cơ bản, đối với trường vì lợi nhuận có thể giữ hầu hết những gì đã ban hành trong các quy chế tổ chức, hoạt động trường đại học tư trước đây và chỉ loại bỏ đi những gì không phù hợp với mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên (hoặc công ty cổ phần) được quy định ở Luật Doanh nghiệp.
Đối với trường đại học hoạt động không vì lợi nhuận
Những quy định cho loại trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, mặc dù đã được ban hành tại Điều lệ trường đại học hiện hành, nhưng cần được điều chỉnh tiếp với các định hướng như sau:
- Phải làm rõ khái niệm Cơ sở GDĐH hoạt động không vì lợi nhuận : là cơ sở GDĐH do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí hoạt động chủ yếu bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước; được chuyển giao cho các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội quản trị.
- Đại hội toàn trường là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường đối với trường dân lập kiểu cũ (sở hữu tập thể). Trong trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận Đại hội toàn trường, nếu được thành lập, chỉ được xem như một tổ chức tham vấn rộng rãi, giống như ở các trường đại học công lập.
- Hội đồng quản trị là tổ chức quản trị, là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường, là đại diện duy nhất cho quyền sở hữu chung của cộng đồng xã hội, trong đó có các nhà góp vốn.
Hội đồng quản trị không can thiệp trực tiếp vào công việc điều hành hàng ngày của Ban giám hiệu nhà trường.Thành phần của Hội đồng quản trị cũng giống như Hội đồng trường của các trường đại học công lập tự chủ, nhưng có thêm đại diện của các nhà góp vốn. Với tính chất và cơ cấu hội đồng như vậy, trên thực tế có sự tiếp cận rất gần giữa trường cônglập tự chủ và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
- Các thành viên góp vốn được cộng đồng vinh danh, được cử đại diện vào hội đồng quản trị, được hưởng lãi suất không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ (nhưng ở đây không nên gọi là lãi suất mà nên gọi là tiền thưởng cho những người có công xây dựng trường ban đầu) và được ưu tiên bảo toàn vốn góp.
*****
Tính chất sở hữu (xác định theo Bộ Luật Dân sự) của từng loại hình cơ sở GDĐH cần được Nhà nước định rõ trong các văn bản pháp quy về giáo dục.
Để bảo đảm cho các loại hình cơ sở GDĐH mới (Trường đại học công lập tự chủ, Trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận,…) hoạt động thuận lợi và đi đúng hướng Nhà nước cần sớm ban hành các quy chế tổ chức và hoạt động cụ thể hơn cho chúng, không nên quan niệm giản đơn rằng giữa chúng chỉ có sự khác nhau về việc có nhận ngân sách nhà nước hoặc có chia lợi tức hay không.
Việc chuyển đổi loại hình trường phải mềm dẻo, phải căn cứ vào tính chất sở hữu của từng trường cụ thể.
Dân Trí