Trường Đại học Quy Nhơn: Thấu hiểu thị trường, phát triển nhân lực trẻ để thúc đẩy tăng trưởng
Giáo dục 02/05/2019 10:10
Chất lượng
Trường Đại học Quy Nhơn (QNU) là cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hiệu quả sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt đối với khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Như PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ nói, mọi công cuộc phát triển của Trường đều gắn liền với sự phát triển của tỉnh. Nghĩa là ngoài việc làm tròn trách nhiệm đào tạo, QNU còn là đơn vị năng nổ, sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu năng lực lao động của tỉnh cũng như nước nhà. Hiện, Trường đã có 16 khoa, đào tạo 46 ngành, thuộc các khối sư phạm, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế - tài chính, kĩ thuật và công nghệ, với quy mô xấp xỉ 13.000 sinh viên chính quy. Trường đã và đang đào tạo 17 chuyên ngành trình độ thạc sĩ, 3 chuyên ngành trình độ tiến sĩ, với quy mô hơn 1.000 học viên, nghiên cứu sinh. Ngoài ra, QNU còn đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng tiếng Việt cho hàng trăm lưu học sinh Lào, thuộc các tỉnh Attapư, Chămpasắc, Salavan và Sekon.
PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn |
Nguyện vọng
Được biết, năm học 2019 -2020, Đại học Quy Nhơn dự kiến tuyển 4.600 sinh viên, cao hơn năm trước 162 chỉ tiêu, theo ba phương thức là xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia, xét tuyển học bạ THPT và xét tuyển thẳng. Nhà trường tuyển hai ngành đào tạo mới gồm Kiểm toán và Kĩ thuật xây dựng; cùng một số chuyên ngành mới như quản lí thị trường bất động sản, Quản lí đô thị, Biến đổi khí hậu, Quản lí tài nguyên môi trường biển. Cũng như sẽ đầu tư phòng thực hành lưới điện thông minh trị giá 30 tỉ đồng phục vụ đào tạo các ngành Kĩ thuật điện, Kĩ thuật điện tử-viễn thông. Đây là phòng thí nghiệm lưới điện thông minh hàng đầu được trang bị cho các trường đại học có đào tạo khối ngành kĩ thuật ở Việt Nam hiện nay. Khi Bình Định ngày càng phát triển tương xứng với sự nghiệp CNH-HĐH của nước nhà, thì những ngành nghề mới này chính là những bước đi đầy nội lực, đúng trọng tâm.
Không chỉ có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục bằng những phần thưởng đáng quý như các Huân chương Lao động hạng I, II và III… vừa qua QNU đã đạt chuẩn chất lượng quốc gia, xếp hạng thứ 18 cả nước do Webometrics bình chọn, xếp hạng thứ 11 cả nước do tổ chức xếp hạng độc lập 49 trường đại học bình chọn. Để xứng đáng với những giá trị đạt được, chắc chắn công cuộc đổi mới sẽ là yếu tố quan trọng, mà trước hết chính là đổi mới phương thức đào tạo tín chỉ với cấu trúc chương trình mềm dẻo, có tính liên thông giữa các ngành học, bậc học. Sinh viên được chủ động trong lập kế hoạch học tập, lựa chọn giảng viên, lựa chọn môn học để tốt nghiệp sớm hoặc học cùng lúc 2 chương trình (tốt nghiệp được cấp 2 bằng đại học chính quy).
Đến năm 2030, QNU phấn đấu là đại học đa ngành, đa lĩnh vực định hướng ứng dụng có uy tín cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng của khu vực Đông Nam Á. Có thể khẳng định, với thành công cùng quyết tâm của một tập thể đoàn kết thì mục tiêu trên sẽ thành hiện thực. Song bước vào giai đoạn mới sẽ còn nhiều thách thức mới, nếu “ngủ quên trên chiến thắng” thì QNU sẽ hổ thẹn với những thế hệ đi trước đã tạo dựng, cũng như với sự kì vọng của Nhân dân và chính quyền giao phó. Chính vì vậy Nhà trường phải tự nêu cao tinh thần trách nhiệm, trong đó vẫn lấy ngành sư phạm là yếu tố chiến lược và lấy ngành khoa học cơ bản là cơ sở; kết hợp với toán học - công nghệ thông tin làm nền tảng cho tất cả các ngành nghề đào tạo, để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại công nghệ 4.0.
Thời gian tới, khi Khu Đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa được hình thành - Đây là hình mẫu đầu tiên về Đô thị Khoa học ở Việt Nam, mà hạt nhân là Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) - sẽ còn tạo cơ hội tốt để QNU mạnh dạn đầu tư vào các ngành nghề nổi trội. Cũng là cơ hội hiếm có cho sinh viên, học viên, nhà nghiên cứu và các đối tác trong và ngoài nước đến với Trường Đại học Quy Nhơn. Như PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ nói: “Câu chuyện “khát” nhân lực luôn khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Trên thực tế, để có nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài kiến thức nền, sinh viên cần có nhiều kĩ năng mềm, ngoại ngữ… Nói một cách cụ thể là chúng tôi tiếp cận doanh nghiệp để đào tạo sinh viên theo hướng ứng dụng. Vì vậy, ngoài sự hỗ trợ từ chính quyền, QNU cũng sẽ nâng cao nhận thức cho CBCNV và HSSV về vai trò nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự sống còn của nước nhà. Đặc biệt là cần các chính sách liên kết đào tạo, cho sinh viên kiến tập, thực tập, cam kết hỗ trợ việc làm, thậm chí “đặt hàng” ngay khi sinh viên còn ngồi trên ghế Nhà trường. Nhiều doanh nghiệp đánh giá Bình Định có điều kiện thuận lợi để khẳng định thế mạnh trong ngành, vấn đề quan trọng lúc này là sự chủ động của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh”.
Trọng Hải