Trợ giúp xã hội cho người cao tuổi (phần 2)
Cán bộ Hội cần biết 23/05/2023 08:09
Hỏi: Mức trợ cấp xã hội (TCXH) hằng tháng đối với NCT được tính như thế nào? Người thuộc diện được hưởng các mức TCXH khác nhau thì có được hưởng cả các tiêu chuẩn hay không?
Trả lời: Tại Điều 5, Điều 6, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 có nêu rõ về các hệ số trợ cấp xã hội cho NCT như sau:
- Mức chuẩn TCXH tối thiểu là 360.000 đồng/ tháng.
- Hệ số 1,0 đối với đối tượng sau: NCT từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, TCXH hằng tháng;
- Hệ số 1,5 đối với đối tượng NCT từ đủ 60 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng TCXH hằng tháng;
- Hệ số 2,0 đối với đối tượng: NCT từ đủ 80 trở lên tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng TCXH hằng tháng;
- Hệ số 3,0 đối với đối tượng NCT thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở TGXH nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.
- Hệ số 2,5 đối với NCT và trẻ em là người khuyết tật đặc biệt nặng;
- Hệ số 2,0 đối với NCT và trẻ em là người khuyết tật nặng;
- Hệ số 1,5 đối với NCT bị nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp BHXH, TCXH hằng tháng.
Theo Khoản 2, Điều 6, Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định: Trường hợp đối tượng thuộc diện hưởng TCXH khác nhau quy định tại các văn bản khác nhau thì chỉ được hưởng một mức cao nhất. Tuy nhiên, riêng người đơn thân nghèo đang nuôi con dưới 16 (hoặc 22) tuổi, đồng thời là NCT (80 trở lên hoặc 75 trở lên ở vùng đặc biệt khó khăn; là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng, là người nhiễm HIV) thì được hưởng cả chế độ đối với đối tượng nghèo đơn thân nuôi con và chế độ đối với đối tượng người khuyết tật, người nhiễm HIV).
Theo Khoản 5, Điều 25 của Nghị định 20/2021/NĐ-CP thì các đối tượng đã được hưởng chế độ trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng trong cơ sở BTXH thì không được hưởng TCXH hằng tháng nữa.
Hỏi: Hồ sơ thực hiện chính sách TGXH thực hiện theo văn bản nào?
Trả lời: Theo Điều 7, Điều 8, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định về hồ sơ thực hiện chính sách TGXH, hồ sơ đề nghị TCXH hằng tháng bao gồm: Tờ khai của đối tượng theo Mẫu số 1a, 1b, 1c, 1d, 1đ ban hành kèm theo Nghị định này. Nếu làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hằng tháng thì cần làm giấy tờ sau: Tờ khai hộ gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng theo Mẫu số 2a ban hành kèm theo Nghị định này; tờ khai nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng BTXH theo Mẫu số 2b ban hành kèm theo Nghị định này; tờ khai của đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trong trường hợp đối tượng không hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định này.
Ngoài ra, theo Điều 8, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP thì khi nộp hồ sơ cần xuất trình các giấy tờ sau để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu các thông tin kê khai trong tờ khai: Sổ hộ khẩu của đối tượng hoặc văn bản xác nhận của công an xã, phường, thị trấn; Chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân; Giấy khai sinh của trẻ em đối với trường hợp xét trợ cấp xã hội đối với trẻ em, người đơn thân nghèo đang nuôi con, người khuyết tật đang nuôi con; Giấy tờ xác nhận bị nhiễm HIV của cơ quan y tế có thẩm quyền đối với trường hợp bị nhiễm HIV; Giấy tờ xác nhận đang mang thai của cơ quan y tế có thẩm quyền đối với trường hợp người khuyết tật đang mang thai; Giấy xác nhận khuyết tật đối với trường hợp người khuyết tật.