Trân trọng tiếng Việt
Bình luận 17/10/2018 08:44
Từ ngày đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, dường như chuyện “kiếm tiền” chiếm nhiều thời gian, công sức nên việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có phần xem nhẹ.
Trên các diễn đàn, một số tài liệu, báo cáo, các ấn phẩm thông tin đại chúng, kể cả sách giáo khoa có nhiều biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt, quá dễ dãi trong phát triển, làm mới tiếng Việt. Hiện tượng lạm dụng, sử dụng ngôn từ bằng tiếng nước ngoài ngày càng nhiều. Trên các chương trình phát thanh, truyền hình, kể cả đài Trung ương, các phóng viên, biên tập viên quá lạm dụng từ Hán Việt, như “quá vãng”, “mãn nhãn”, “bất bại”; đang nói tiếng Việt lại chêm vài từ tiếng Anh gây ức chế, phản cảm.
Những vấn đề bất cập, lệch lạc, yếu kém trong việc dùng tiếng Việt từ cách viết, cách nói, cách truyền đạt đều chưa đúng, chưa chuẩn. Cách dùng từ, đặt câu, sử dụng lời nói và thể hiện thông điệp truyền thông bằng văn bản, tiếng nói; vấn đề phương ngữ, chính tả, chuẩn chính tả; việc xử lí tên nước ngoài trên báo chí, trên sóng phát thanh, truyền hình; cách sử dụng ngôn ngữ trong việc đặt tít, rút tít, trình bày ma-két, thiết kế và giao diện báo điện tử… còn nhiều sai sót. Việc giữ gìn bản sắc tiếng Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa với trào lưu tiếng Anh đang thâm nhập mạnh mẽ chưa được chú ý…Trong khi đó, các cơ quan văn hóa, ngôn ngữ chưa thấy “động binh” kịp thời nhắc nhở, phê phán.
Tranh minh họa. |
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo tồn văn hóa dân tộc là đòi hỏi chính đáng và cấp thiết. Cần có định hướng phát triển cũng như sử dụng tiếng nước ngoài thành văn bản pháp quy. Để những ngôn từ, cấu trúc câu văn được lưu hành qua các văn bản Nhà nước, phổ cập trong Nhân dân phải là ngôn ngữ chính thống. Trong điều kiện hiện nay rất cần có Luật ngôn ngữ tiếng Việt, các bộ quy chuẩn, chuẩn mực ngôn ngữ dành riêng cho từng lĩnh vực như báo chí, văn học, văn bản nhà nước… Các cơ quan báo chí cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngôn ngữ, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngôn ngữ cho phóng viên, biên tập viên và đội ngũ làm công tác xuất bản.
Hãy nói và viết đúng chuẩn mực, quy tắc tiếng Việt sao cho trong sáng, không dung nạp, pha tạp, lai căng; không sử dụng tùy tiện nguyên tác ngôn ngữ khác. Việc tiếp thu thành tựu của văn minh nhân loại hay mượn tiếng nước ngoài để làm cho tiếng Việt đầy đủ hơn là yêu cầu khách quan. Tuy nhiên, tiếp thu phải có chọn lọc và không đánh mất bản sắc. Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, mỗi người Việt hãy yêu mến, trân trọng./.
Tường Minh