Trần Duy Hưng, Người Hà Nội vì dân, vì nước
Xã hội 15/11/2024 08:57
Những năm tháng là học sinh Trường Bưởi (Trường Chu Văn An hiện nay), sau là Trường Đại học Y Hà Nội, Trần Duy Hưng tham gia phong trào hướng đạo sinh do cụ Hoàng Đạo Thúy là huynh trưởng toàn quốc. Ông được cử làm huynh trưởng miền Bắc và Hà Nội. Năm 1939, Trần Duy Hưng tốt nghiệp bác sĩ loại giỏi; được gia đình giúp đỡ, mở một bệnh viện nhỏ, có 10 giường ở số 73 phố Hàng Bông, Thợ Nhuộm. Bệnh viện thường giúp người nghèo chữa bệnh; còn là cơ sở an toàn cho những cán bộ hoạt động cách mạng, khi bọn mật thám săn lùng. Nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Văn Cao từng là “bệnh nhân bất đắc dĩ” của bác sĩ.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Bảo Đại mời ông làm Bộ trưởng Thanh niên nhưng bị từ chối. Uy tín và phẩm chất tốt đẹp của bác sĩ Trần Duy Hưng được Chủ tịch Hồ Chí Minh biết tới. Chỉ sau một tuần, ta giành chính quyền ở Hà Nội (19/8/1945), Bác Hồ đến gặp và đề nghị ông đảm đương chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Bác sĩ Trần Duy Hưng (người đứng) vẫy chào Nhân dân ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu |
Bác sĩ trịnh trọng nói: “Cảm ơn Cụ. Mong Cụ chọn người xứng đáng hơn; vì tôi chỉ biết chữa bệnh, không quen làm lãnh đạo. Hồ Chủ tịch thân mật: “Bản thân tôi cũng chưa bao giờ lãnh đạo một đất nước. Vì vậy, chúng ta phải vừa làm vừa học thôi !”. Vì rất kính trọng Bác Hồ nên bác sĩ Trần Duy Hưng phải suy nghĩ về lời đề nghị đó của Chủ tịch và cuối cùng xin nhận lời. Vậy là từ ngày 30/8/1945, ở tuổi 33, ông trở thành Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Qua ngày độc lập không lâu, thực dân Pháp quay lại gây chiến để chiếm Hà Nội. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trong những ngày này, ông Trần Duy Hưng cùng các đồng chí trong Thành ủy, Ủy ban, đoàn kết Nhân dân kiên cường chiến đấu bảo vệ Thủ đô.
Năm 1947, Bác Hồ bổ nhiệm ông làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Ủy viên Hội đồng Quốc phòng. Năm 1954, ông được giao làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Những ngày ở chiến khu, bác sĩ luôn được gần gũi chăm sóc sức khỏe Bác Hồ và được Người yêu mến, tin tưởng.
Tấm gương đức độ của Hồ Chủ tịch là nguồn động viên bác sĩ, một trí thức yêu nước, suốt đời trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ngày 6/1/1946, Nhân dân cả nước bầu cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Hà Nội lựa chọn được 6 đại biểu; cao phiếu nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau đó đến bác sĩ Trần Duy Hưng. Tại cuộc họp lần thứ nhất, ông được Quốc hội bầu vào Ban soạn thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Những ngày đầu của đất nước rất khó khăn, phức tạp, ông đã tập hợp đông đảo Nhân dân Thủ đô để “Diệt giặc đói, giặc dốt và chống giặc ngoại xâm”. Là trí thức, bác sĩ Trần Duy Hưng biết rõ kiến thức vô cùng cần thiết cho một cuộc sống nên thường xuyên cùng cụ Hồ Đắc Điềm (phụ trách bình dân học vụ), đạp xe đến các lớp học, động viên thầy trò và góp ý kiến về cách dạy, cách học…
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 10/10/1954, trong đoàn quân tiến về tiếp quản Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng là Phó chủ tịch Ủy ban quân chính Hà Nội. Sau đó ông trở lại chức danh Chủ tịch Ủy ban hành chính, rồi UBND TP Hà Nội ngày 4/11/1954 và giữ chức vụ này đến năm 1977.
Những ngày Hà Nội bị đế quốc Mỹ ném bom trước năm 1975, ông tự lái xe đến những nơi bị địch đánh phá, trực tiếp giúp y bác sĩ băng bó cho những người bị thương. Ai nấy không cầm được nước mắt trước tấm lòng của vị Chủ tịch thành phố.
Chủ tịch UBND Hà Nội tương đương với chức Bộ trưởng nhưng đến năm 1969, cán bộ dưới quyền mới phát hiện suốt 15 năm qua, bác sĩ chỉ lĩnh lương cấp Thứ trưởng. Các con bác sĩ cũng đi bộ đội, tham gia chiến đấu như những thanh niên thủ đô khác. Tháng 7/1959, Hà Nội thực hiện cải tạo, công thương nghiệp tư bản tư doanh, gia đình em gái ruột ông có cửa hàng bán nước mắm, quy vào diện tư sản. Tất cả vốn liếng bỏ ra để hợp doanh. Người em phàn nàn, ông động viên, khuyên em chấp hành chính sách; không lợi dụng chức quyền để mưu lợi cho gia đình.
Nhận xét về bác sĩ Trần Duy Hưng, người Hà Nội đi đầu trong mọi phong trào hướng tới sự phát triển của Thủ đô, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Một người của Nhân dân, vì dân; là một trí thức để lại tấm gương sáng cho các thế hệ trí thức hôm nay và mai sau học tập, nói theo”.
Ghi nhận công lao của ông, năm 2005, Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tháng 1/1999, con đường đẹp ở phía Tây Thủ đô mới mở, trong thời kì đổi mới, mang tên Trần Duy Hưng.