Tháo gỡ “điểm nghẽn” thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh
Bất động sản 18/11/2024 16:53
Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm |
Diễn đàn là dịp để lãnh đạo các cơ quan quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp cùng thảo luận những vấn đề tồn tại, bất cập của thị trường BĐS; nguyên nhân đến từ thể chế chính sách, các điểm nghẽn được tháo gỡ để thống nhất giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh. Bởi một khi thị trường BĐS lành mạnh, đất đai sẽ trở thành nguồn lực cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình. Một thị trường BĐS lành mạnh là thị trường giúp doanh nghiệp BĐS phát triển bền vững, giúp người dân được tiếp cận nhà ở với giá cả phù hợp; giúp những người thu nhập thấp có một mái ấm trong các khu nhà ở xã hội khang trang, ngăn nắp; và những người không có điều kiện mua nhà vẫn có thể sinh sống, yên ổn hạnh phục trong những ngôi nhà đi thuê…
Diễn đàn sẽ tập hợp ý kiến của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và các chuyên gia thành một tài liệu tham vấn quan trọng để chuyển cho các cơ quan hữu quan của Chính phủ, nhằm gợi mở cho việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách liên quan đến nhà ở, thị trường BĐS, tài chính bất động sản…hướng đến mục tiêu lý tưởng “mọi người dân đều có nhà để ở”.
BĐS thời gian gần đây xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, thổi giá khiến giá nhà, đất bị đẩy cao phi lý. Xuất hiện hiện tượng trả giá cao rồi bỏ cọc trong các cuộc đấu giá nhằm tạo mặt bằng giá ảo, trục lợi và thao túng thị trường, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với nền kinh tế cũng như xã hội.
Cơn sốt đất nền tại các huyện vùng ven diễn ra suốt hai tháng qua đã đẩy mặt bằng giá chung cư và nhà đất ở Hà Nội lên một mức cao chưa từng có. Nếu tình trạng này không được nhận diện, không được kiểm soát và có giải pháp thích hợp để những cơn sốt ảo đẩy bất động sản lên một mặt bằng giá mới sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với nền kinh tế cũng như xã hội.
TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng, thách thức lớn nhất của thị trường BĐS, của doanh nghiệp là những “dự án treo” chưa được giải quyết hoặc giải quyết còn chậm thì ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường và lòng tin của người mua nhà. “Một trong các nguyên nhân xuất hiện dấu hiệu “tạo nhiệt” là tình trạng đầu cơ đất đai, đẩy giá nhà ở và phát sinh giao dịch BĐS thiếu minh bạch. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương có phương thức điều tiết thị trường, quản lý, giám sát chặt chẽ việc tổ chức đấu giá đất và đặc biệt là quản lý, giám sát, xử lý vi phạm của lực lượng môi giới bất động sản…góp phần cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư và người mua khách quan quyết định lựa chọn sản phẩm để mua “- Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phân tích.
Đề cập tới vấn đề “đầu cơ” của thị trường, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá, Bộ Tài chính, cho rằng, cần phân biệt “đầu tư” và “đầu cơ” khác nhau. Đầu cơ là mua sản phẩm để hưởng chênh lệch giá trong thời gian ngắn. Trong kinh tế thị trường, đầu tư cần có đầu cơ. Vậy phải làm sao để hài hoà ngay cả trong đầu tư và đầu cơ để thị trường phát triển bền vững?. Không có cách nào khác là Nhà nước cần phải sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Vũ Đình Ánh nhìn nhận, BĐS là một loại tài sản hàng hóa đặc biệt. Không chỉ đầu tư, đầu cơ cũng là bình thường. Thuế chỉ là một công cụ hạn chế đầu cơ BĐS. Với tài sản muốn áp dụng công cụ thuế, cũng chỉ góp phần hạn chế đầu cơ. Điều quan trọng là phải xác định giá đất, thì mới có cơ sở áp dụng các công cụ thuế.
Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ TN&MT phát biểu tại buổi Tọa đàm |
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đã nhấn mạnh các điểm mới của Luật Đất đai năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. “Luật Đất đai 2024 góp phần minh bạch trong tiếp cận đất đai, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản. Bộ TN&MT đã và đang phối hợp với cơ quan có liên quan trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở. Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Luật Đất đai 2024 sẽ tiếp tục góp phần khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển thị trường BĐS” - Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa nói.
Tại Diễn đàn, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, thị trường BĐS liên quan đến hơn 30 ngành nghề khác nhau trên thị trường, điều này đặt ra thách thức cho các cơ quan, địa phương, Quốc hội, Chính phủ, các chuyên gia trong xây dựng chính sách, đề xuất giải pháp. Thời gian qua, việc hoàn thiện các thể chế, pháp luật luôn được quan tâm, đẩy mạnh và từng bước hoàn thiện: Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/2023; Thủ tướng Chính phủ có Nghị quyết 1435 thành lập Tổ công tác tháo gỡ các khó khăn; đặc biệt là 3 luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới.
Trong đó, đặc biệt là phải đảm bảo công tác lập chương trình kế hoạch phát triển nhà ở, các dự án phải phù hợp với quy hoạch. Từ đó, thị trường sẽ phát triển theo hướng đảm bảo cung cầu, thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, tiến tới đạt mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội... Điều này tạo chuyển biến tích cực trên thị trường: Nguồn cung nhà ở tăng; Gần 200 kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp được giải quyết; 79 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành…
Kết quả trên đã cho thấy vai trò hết sức quan trọng của cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Thị trường BĐS là thị trường khác với các sản phẩm khác bởi có nhiều đặc thù, nhiều tham số, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Đơn cử như để phát triển 1 dự án có thể mất cả chục năm. Do đó, đòi hỏi sự tích cực, kiên trì đồng bộ của các cơ quan các cấp và các chủ thể tham gia vào thị trường.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. |
Trong bối cảnh thị trường BĐS Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức từ các quy định pháp lý, chính sách tài khóa, điều kiện thị trường, Diễn đàn “Để thị trường BĐS trở lại lành mạnh và phát triển” được tổ chức với mục tiêu tìm kiếm giải pháp để đưa thị trường BĐS phát triển theo hướng bền vững, minh bạch và lành mạnh.