Trà dược phòng chống viêm khớp mùa lạnh
Sức khỏe 06/11/2020 13:00
Khi bị các chứng bệnh này, việc dùng các thuốc chống viêm, giảm đau và thực hành lí liệu pháp là hai vấn đề không thể thiếu trong thực tiễn lâm sàng của y học hiện đại. Tuy nhiên, vì còn khá nhiều các tác dụng phụ nên những tân dược loại này không hẳn đã là chỗ dựa đáng tin cậy của người bệnh.
Trong y học cổ truyền, các bệnh khớp nói chung đều thuộc phạm vi chứng tí phát sinh do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến 4 nhân tố chính là phong, hàn, thấp và nhiệt. Tùy theo từng mùa mà các nhân tố này giữ vai trò chính phụ khác nhau, về mùa lạnh, phong, hàn và thấp là 3 nhân tố chủ đạo mà cổ nhân thường gọi là chứng phong hàn thấp tí. Về mặt trị liệu, ngoài việc kê đơn bốc thuốc và châm cứu xoa bóp, người xưa còn sử dụng một chế phẩm rất độc đáo được gọi là trà dược. Trong bài viết này xin được giới thiệu với độc giả một số công thức trà dược điển hình để phòng chống viêm khớp về mùa lạnh.
Bài 1: Thổ ngưu tất (rễ cỏ xước) 30g, kê huyết đằng 30g. Hai vị tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Thanh nhiệt khứ thấp, hoạt huyết thư cân, dùng cho bệnh viêm khớp có dấu hiệu sưng nóng. Trong bài, thổ ngưu tất vị đắng chua, tính bình, có công dụng hoạt huyết hoá ứ, trừ thấp lợi niệu, thanh nhiệt giải độc; kê huyết đằng vị đắng, tính ấm, có công dụng hoạt huyết bổ huyết, thư cân hoạt lạc. Nghiên cứu hiện đại cho thấy cả hai vị đều có tác dụng chống viêm khá tốt, riêng thổ ngưu tất đã có những công trình nghiên cứu ứng dụng điều trị viêm họng và bệnh bạch hầu đạt hiệu quả cao.
Ảnh minh hoạ |
Bài 2: Thổ phục linh 40g, uy linh tiên 30g, phòng kỉ 10g. Các vị tán vụn, mỗi ngày lấy 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Trừ thấp hoạt lạc, giải độc giảm đau, dùng cho bệnh viêm khớp có triệu chứng đau cố định, tại chỗ nề nhẹ. Trong bài, thổ phục linh vị ngọt, tính bình, có công dụng giải độc, trừ thấp, lợi quan tiết; uy linh tiên vị cay mặn, tính ấm, có công dụng trừ phong thấp, thông kinh lạc và giảm đau; phòng kỉ vị cay đắng, tính lạnh, có công dụng trừ phong thấp, lợi niệu giảm đau. Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh cả ba vị đều có tác dụng kháng khuẩn chống viêm, uy linh tiên và phòng kỉ còn có tác dụng giảm đau rất thích hợp đối với việc trị liệu viêm khớp.
Bài 3: Sinh địa 50g, khương hoạt 30g, độc hoạt 30g, kê huyết đằng 40g, đương quy 30g, thiên ma 20g, ngưu tất 20g, tì giải 20g. Tất cả sấy khô tán vụn, mỗi ngày lấy 20 - 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày, người uống được rượu có thể pha thêm chút ít hoàng tửu thì càng tốt. Công dụng: Khu phong trừ thấp, hoạt huyết giảm đau, dùng cho bệnh viêm khớp lâu ngày, khí huyết suy nhược, các khớp có biểu hiện viêm dính và biến dạng. Trong bài, sinh địa và đương quy có tác dụng tư âm bổ huyết; khương hoạt trừ phong thấp nửa trên, độc hoạt trừ phong thấp nửa dưới cơ thể; ngưu tất và kê huyết đằng hoạt huyết bổ thận; tì giải thải thấp qua đường tiết niệu. Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh thiên ma, ngưu tất và độc hoạt đều có tác dụng chống viêm và giảm đau rõ rệt.
Bài 4: Dâm dương hoắc 30g, uy linh tiên 30g, xuyên khung 30g, nhục quế 30g, ké đầu ngựa 30g. Tất cả tán vụn, mỗi ngày lấy 30 - 40g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày, có thể pha thêm một chút rượu thì càng tốt. Công dụng: Tráng dương hoạt huyết, khứ phong trừ thấp, dùng cho chứng viêm khớp giai đoạn muộn khi các khớp đã biến dạng, thể trạng suy yếu, toàn thân đau mỏi, sợ lạnh, tay chân lạnh… Trong bài, dâm dương hoắc vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ thận tráng dương, khứ phong trừ thấp; nhục quế vị ngọt, tính nóng, có công dụng bổ nguyên dương, ấm tì vị, trừ hàn, thông huyết mạch; xuyên khung hoạt huyết; uy linh tiên và ké đầu ngựa trừ phong thấp. Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh dâm dương hoắc có tác dụng chống viêm; xuyên khung, nhục quế, uy linh tiên và ké đầu ngựa đều có khả năng giảm đau rõ rệt.
Bài 5: Hoàng kì sống 10g, quế chi 4,5g, bạch thược sao 7,5g, ngũ gia bì 6g, gừng tươi 2 lát. Các vị thái vụn hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Bổ khí huyết, trừ phong thấp, dùng cho chứng viêm khớp ở người suy nhược cơ thể, thiếu máu, các khớp đau nhưng không sưng nóng, chườm nóng đỡ đau. Trong bài, hoàng kì bổ khí, có khả năng nâng cao sức miễn dịch của cơ thể, chống viêm giảm đau, chống lão hóa; ngũ gia bì trừ phong thấp, làm mạnh gân cốt và hoạt huyết khứ ứ, trên nghiên cứu thực nghiệm cũng thể hiện khả năng chống viêm và giảm đau khá rõ; bạch thược bổ can dưỡng huyết, làm ấm tì vị và giảm đau. Các vị phối hợp với nhau tạo nên công năng bổ khí huyết, trừ phong thấp, thông kinh mạch và giảm đau của bài thuốc.
Nhìn chung, các phương trà dược nói trên đều rất đơn giản, dễ chế, dễ dùng, rẻ tiền và đạt hiệu quả ở một mức độ nhất định. Có thể sử dụng để điều trị dự phòng, điều trị hỗ trợ các thuốc khác trong giai đoạn bệnh tái phát và điều trị duy trì khi bệnh đã ổn định,