Phân biệt viêm khớp dạng thấp với các bệnh khớp khác
Sức khỏe 23/05/2023 09:56
1. Nguyên nhân gây ra viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp có thể bắt đầu từ tuổi 30 trở đi và tỉ lệ mắc bệnh cao nhất là người cao tuổi trong đó nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới.
Đến nay nguyên nhân gây nên bệnh viêm khớp dạng thấp chưa được khẳng định một cách chắc chắn nhưng có nhiều giả thuyết cho rằng, viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn (là bệnh lí xảy ra do hệ miễn dịch cơ thể mất đi khả năng nhận biết và phân biệt được các kháng nguyên của cơ thể với các tác nhân gây hại bên ngoài).
Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng là một nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp.
2. Viêm khớp dạng thấp có đặc điểm gì?
Về các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp có khoảng 85% bắt đầu từ từ rồi tăng dần và có khoảng 15% triệu chứng xảy ra đột ngột với các dấu viêm khớp cấp. Đa số người bệnh viêm khớp dạng thấp bắt đầu viêm một khớp, kéo dài từ một vài tuần đến vài tháng. Sau đó chuyển qua giai đoạn toàn phát và gây viêm đau nhiều khớp.
- Vị trí thường gặp sớm nhất ở cổ tay, bàn tay, ngón (ngón gần nhất là ngón 2 và ngón 3), sau đó là chi dưới, khớp gối, cổ chân, bàn và ngón chân. Xuất hiện muộn hơn là các khớp: Khuỷu tay, khớp vai, đốt sống cổ, khớp háng thái dương hàm... Đặc biệt tính chất sưng và đau có xu hướng lan ra 2 bên và là đối xứng nhau.
- Cơ thể có thể có sốt nhẹ, da xanh, bệnh nhân ăn ngủ kém, gầy và bị rối loạn thần kinh thực vật… Thông thường bệnh nhân đau ít nhất 3 khớp trong số các khớp với đặc trưng là các khớp sưng, đau đối xứng với nhau. Bệnh nhân đau khớp nhiều vào ban đêm và lúc sáng sớm mới ngủ dậy hoặc khi thời tiết chuyển mùa.
3. Cần phân biệt với các bệnh khớp khác để tránh biến chứng nguy hiểm
Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị hoặc điều trị sai sẽ gây co quắp các ngón tay, hạn chế chức năng vận động, teo cơ và có thể làm bệnh nhân tàn phế (khoảng từ 10 - 15%) rất nguy hiểm. Các xét nghiệm thường được chỉ định:
- Làm xét nghiệm sẽ thấy tốc độ máu lắng, tỉ lệ CRP tăng cao, đặc biệt là yếu tố dạng thấp RF dương tính; chụp X-quang thấy có hình ảnh biến đổi xương…
- Bệnh cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh có triệu chứng giống viêm khớp dạng thấp: Đau nhức xương hoặc mỏi cơ hoặc mỏi khớp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp phản ứng, viêm khớp vẩy nến, lupus ban đỏ hệ thống, đặc biệt là thoái hóa khớp…
Đây là triệu chứng của những bệnh thuộc về khớp tuy nhiên phản ứng huyết thanh về yếu tố RF âm tính; viêm khớp không đối xứng ở một hoặc nhiều khớp trên cơ thể và hơn thế các bệnh này thường gặp ở nam giới. Đặc biệt, ở người cao tuổi bệnh rất dễ nhầm với bệnh thoái hóa khớp, bệnh gout…
Để chẩn đoán đúng, điều trị có hiệu quả tránh để xảy ra biến chứng người bệnh nên được khám ở cơ sở y tế đáng tin cậy.
4. Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh
Khi nghi ngờ bị bệnh viêm khớp dạng thấp cần đi khám và điều trị tích cực theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh của bệnh viện có uy tín. Cần tuân theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh. Người bệnh không được tự mua thuốc để dùng. Viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính kéo dài hàng năm đôi khi là chục năm, vì vậy đòi hỏi quá trình điều trị phải kiên trì, liên tục.
Để phòng bệnh viêm khớp dạng thấp cần: Vận động cơ thể một cách thường xuyên, đều đặn hàng ngày. Vận động nhẹ nhàng nhằm tránh làm biến dạng khớp, cứng khớp và teo cơ. Buổi sáng mới ngủ dậy và trước khi đi ngủ người cao tuổi nên xoa bóp cơ khớp. Tốt nhất là xoa thêm một số dầu làm nóng da, giãn mạch máu để máu lưu thông tốt đến các cơ xương khớp, dây chằng (dầu gió, dầu khuynh diệp, Deefheat…). Thời gian xoa bóp từ 10 - 15 phút.
Nên có chế độ ăn uống hợp lí, ăn các loại thực phẩm giàu canxi như: Tôm, cua… Nên ăn nhiều rau, củ, đậu, đỗ, giá đỗ; nên ngủ đủ và nghỉ ngơi hợp lý (ngày 7 - 8 tiếng); hằng tháng nên đi khám bệnh định kì để bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe tránh xảy ra biến chứng.