TP Hồ Chí Minh: Đô thị thông minh, hạ tầng giao thông là động lực thúc đẩy thị trường BĐS khu Đông phát triển
Bất động sản 16/08/2019 10:11
Đòn bẩy mới cho khu Đông
Cuối tháng 4, lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh và lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã ngồi lại với nhau bàn phương án triển khai xây dựng cầu Cát Lái, nối quận 2 của TP.Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Bước đầu, hai địa phương đã thống nhất với nhau các phương án triển khai dự án với quyết tâm sẽ khẩn trương xây dựng nhanh công trình này.
Với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.200 tỷ đồng, cầu Cát Lái được đánh giá có ý nghĩa lớn trong chiến lược kết nối hạ tầng liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của Đồng Nai và cả TP.Hồ Chí Minh, nhất là thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch mà hai địa phương có thế mạnh.
Bến xe miền Đông mới dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay sẽ là dự án hạ tầng điển hình thúc đẩy bất động sản khu Đông, đặc biệt là quận 9. |
Khi cầu Cát Lái được xây dựng, hệ thống giao thông TP.Hồ Chí Minh - Nhơn Trạch sẽ được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TP.Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai. Bên cạnh đó, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, cầu Cát Lái kết hợp tỉnh lộ 25C sẽ hình thành tuyến kết nối TP.Hồ Chí Minh - sân bay Long Thành; chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông đang quá tải trên tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây trong ngày thường lẫn dịp lễ.
Một thông tin tạo sự chú ý hơn với giới đầu tư là sau thời gian chuẩn bị, mới đây, TP.Hồ Chí Minh đã chính thức “bấm nút” đưa ý tưởng biến khu Đông TP.Hồ Chí Minh thành khu đô thị sáng tạo vào thực tế, bằng việc phê duyệt nhiệm vụ cuộc thi quốc tế ý tưởng quy hoạch đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.Hồ Chí Minh trong phạm vi các quận 2, 9 và Thủ Đức với diện tích hơn 21.172 ha.
Làn sóng bất động sản mới tại khu Đông
Dù các thông tin về chính sách phát triển hạ tầng của phía Đông TP.Hồ Chí Minh gần đây ít nhiều đã được biết đến trước đó, song với giới đầu tư kinh doanh địa ốc, cứ sau mỗi đợt có những thông tin mới về sự khởi động các công trình hạ tầng, ngay lập tức trở thành điểm nóng đón đầu xu hướng của giới đầu tư.
Theo phân tích của các chuyên gia, nếu nói hạ tầng là đòn bẩy cho sự phát triển của thị trường bất động sản, thì quả thật khu Đông đang có lợi thế đi đầu. Đến thời điểm này, hầu hết những công trình giao thông trọng điểm đều đi qua khu Đông, như hầm sông Sài Gòn, đường Võ Văn Kiệt, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2 nối từ trung tâm thành phố với quận 2 và quận 9, hay đường Phạm Văn Đồng, nối Sân bay Tân Sơn Nhất với quận Thủ Đức… Cùng với đó, các công ty bất động sản lớn và uy tín trong và ngoài nước cũng đã phát triển nhiều dự án tại khu vực này như Keppel Land, Khang Điền, Capitaland, Novaland… góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị nơi đây.
Nhiều dự án bất động sản của các công ty Keppel Land, Khang Điền, Capitaland, Novaland… góp phần thay đổi diện mạo khu Đông. |
Không chỉ thế, tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cũng nối trực tiếp khu Đông với Đồng Nai, rồi dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến số 1), đang được xây dựng, dự kiến sẽ chính thức đưa vào khai thác vận hành năm 2020, cũng kéo dài xuyên suốt từ khu Đông vào trung tâm TP.Hồ Chí Minh.
Theo ghi nhận thị trường đầu năm 2019, nhiều khu vực tại khu Đông gần đây không ngừng tăng giá mạnh. Phân tích của giới chuyên môn, việc giá đất tại khu Đông ngày càng tăng giá là điều dễ hiểu, trong đó yếu tố chính là do sự phát triển của hạ tầng giao thông, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ các quận của khu Đông vào trung tâm thành phố. Xét ở góc độ nhu cầu chọn khu vực để an cư, trong mắt người có nhu cầu về nhà ở, các quận khu Đông vẫn đang là lựa chọn hấp dẫn nhất, đặc biệt là khu Đông trong tương lai sẽ trở thành khu đô thị sáng tạo.