“Tôi chỉ có kiên trì và chịu khó!”
Tuổi cao gương sáng 30/12/2022 09:45
Bà kể lúc ấy mình tuổi độ đôi mươi, từ cuối những năm 70 thế kỉ trước, mang hàng từ Đại Lộc lên huyện vùng cao Giằng (nay là huyện Nam Giang) bán rồi mua gạo, đậu của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) mang về xuôi bán kiếm lời… Rồi lấy chồng, lập nghiệp ở đây luôn. Hai vợ chồng khai hoang được ít đất làm rẫy vừa mua đi bán lại những sản vật trên rừng do đồng bào tăng gia sản xuất như: Heo, gà, đậu bắp...
Bà Phạm Thị Lập |
Những lần vào rừng lột vỏ cây làm củi chụm là kết hợp mua thêm mây, lồ ô mang về bán lại. Thấy người thưa nhưng đất đai bạt ngàn, đồng bào DTTS trồng trọt, khai thác không hết nên tiếc quá! Bà trồng thử bắp, đậu. Sau thời gian ngắn, bà quá ngạc nhiên khi chúng phát triển nhanh và cho năng suất cao. Với ít vốn liếng tích cóp được cộng thêm vay mượn anh chị em, bà con, bà thu gom đất rẫy. “Tôi dò hỏi đồng bào DTTS trên ấy, ai không trồng trọt sản xuất, bỏ rẫy không thì chuyển nhượng cho tôi. Tôi đổi đất của mình dưới này…”, bà Lập kể. Vợ chồng bà dựng lán, băm cỏ, phát rẫy trồng cây keo. Nuôi một con bò, rồi bán heo, bán bò mua trâu. Nuôi bò, heo, gà… lấy ngắn nuôi dài, không phải vay mượn, nợ nần ai.
Kêu lao động người DTTS vào phát, băm trồng keo rồi trả công. Khai thác đợt keo đầu bán được 2 tỉ đồng, do bão lũ cũng gây thiệt hại nhiều. Bà trả nợ một nửa còn một nửa dành trang trải và trồng lại lứa keo khác. Lần này là cơ giới hóa luôn, thay sức người bằng xe xúc… Đợt keo thứ hai thu được 4 tỉ đồng! Covid-19 khiến việc trồng keo bị chững lại. Lũ lụt vừa rồi trôi mất 4 tấn mây! Thiệt hại cũng nhiều nhưng bà không nản. Vừa mới trồng lại keo, thu hoạch được 3 tấn bắp với đậu xanh… Có người đồng bào DTTS như bà Nghiếu (có 4-5 ha trồng keo), bà Bưu (có mấy rẫy trồng cây)…, siêng năng theo đường đi của bà Lập đã cải thiện cuộc sống…
Hiện trang trại trong Khe Dung của bà có 4 con bò, 30 con trâu và vài chục con gà, vịt, heo. Không chỉ vậy, mỗi lần lên rừng vào trang trại là tìm mua chuối tiêu, gà, măng khô mang về dưới xuôi bán. “Đường lên rừng đã thông thoáng hơn, không như mấy chục năm trước. Đất bạt ngàn không biết làm chi cho hết! Nếu kiên trì, chịu khó, ra sức khai hoang, trồng trọt thì cuộc sống sẽ hết khổ thôi. Thỉnh thoảng tôi về Đà Nẵng mua vài bao quần áo cũ đem tặng bà con trên đó… Nước sạch thì dẫn từ trong núi về, điện thì dùng năng lượng mặt trời hoặc máy nổ. Có khi ở trong trang trại nửa tháng hay 20 ngày mới về nhà…”, bà Lập chia sẻ